Tăng cường liên kết Du lịch đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc

Thứ sáu, 22/09/2023 15:10
(ĐCSVN) - Các tỉnh vùng Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long sẽ kết nối chặt chẽ, cùng khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương, để du lịch của hai vùng ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Chiều ngày 21/9/2023 tại thành phố Lào Cai, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc.

Với chủ đề “Kết nối - Hợp tác - Phát triển”, đây là hoạt động tiếp theo sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại TP. Cần Thơ năm 2023, do nhóm hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc vào đầu tháng 7/2023, với nhiều nội dung quan trọng, hoạt động đặc sắc, được công chúng đón nhận, ngành du lịch ĐBSCL nhiệt tình hưởng ứng và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách về vùng đất hùng vĩ về thiên nhiên, hào hùng về lịch sử, độc đáo về bản sắc văn hóa.

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong nhấn mạnh, tiếp nối thành công trên, Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc tại Lào Cai lần này sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, kết nối du lịch 2 vùng miền, ngày càng gần lại nhau hơn và cùng nhau phát huy tiềm năng để đưa du lịch hai vùng ở hai đầu đất nước cùng cất cánh.

Theo ông Phong, năm 2022, các tỉnh, thành đồng ĐBSCL đã thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đón gần 27 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch hơn 26 nghìn tỷ đồng, đưa du lịch ĐBSCL phục hồi và tăng trưởng khá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng.

Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết thêm, thông qua Hội nghị này, Trà Vinh sẽ giới thiệu đến du khách vùng Tây Bắc về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh: Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô, Điểm du lịch nông nghiệp hạnh phúc Sokfarm, làng văn hóa – du lịch Khmer… Khám phá nét văn hóa đậm màu sắc của cộng đồng các dân tộc tại Trà Vinh như: Lễ hội Ok Om Bok, lễ Chôl Chnâm Thmây, lễ Sen Đon ta của đồng bào dân tộc Khmer, lễ hội cúng biển Mỹ Long của ngư dân ven biển, lễ hội Vu lan của đồng bào Hoa,…

 Vẻ đẹp của Tây Bắc luôn hấp dẫn du khách. 

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên vùng Tây Bắc và tiềm năng du lịch to lớn với nền văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc… Tây Bắc luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách ưa thích sự khoáng đạt, mạo hiểm muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa, khí hậu đặc trưng.

Thông qua sự kiện này, các tỉnh vùng Tây Bắc sẽ không ngừng đưa hoạt động du lịch vùng Tây Bắc và ĐBSCL ngày càng kết nối chặt chẽ, cùng khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương, để du lịch của hai vùng ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước, có hệ sinh thái du lịch đa dạng, đặc sắc với đặc trưng văn hóa tiêu biểu gắn với sông nước; nơi hội tụ của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, nhiều lễ hội lớn nhỏ trong năm và đa dạng về kiến trúc tôn giáo lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất nam Bộ.

ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi về giá trị tài nguyên đa dạng và phong phú, lợi thế về du lịch biển đảo, sông nước; du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa - lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái và đặc biệt là sự chân chất, thật thà, mến khách của người dân Nam Bộ đã thu hút đông đảo du khách từ các vùng miền về với ĐBSCL. Năm 2022 du lịch ĐBSCL thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ĐBSCL đón gần 27 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch hơn 26 nghìn tỷ đồng, một con số khá ấn tượng trong phát triển du lịch hiện nay.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao về phương thức phối hợp và hiệu quả hoạt động giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và Hiệp hội du lịch ĐBSCL trong những năm vừa qua. Tiêu biểu là hoạt động của 02 cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông và phía Tây mang đến nhiều hiệu quả như tổ chức tham gia gian hàng chung của khu vực, của cụm tại các sự kiện du lịch; tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá chung tại miền Trung, Tây Bắc và Nhật Bản; phối hợp khảo sát, thẩm định các điểm đến tiêu biểu ĐBSCL hàng năm; xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc thù; các hoạt động tích cực hỗ trợ, kết nối với nhau giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài khu vực….

Bên cạnh kết quả đã đạt được thì du lịch vùng ĐBSCL vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch còn thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.

Nhằm phát huy hiệu quả hơn trong hoạt động liên kết vùng và đẩy mạnh hoạt động trao đổi khách giữa ĐBSCL với vùng Tây Bắc, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL và Tây Bắc trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch…

T.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực