Đây là một trong những nội dung triển khai dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Thời gian qua, nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả.
Những lớp tập huấn sẽ giúp cho đồng bào những kiến thức cơ bản về kỹ năng sinh hoạt Câu lạc bộ, kỹ năng trao truyền và trình diễn, bao gồm biểu diễn các làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc mình, góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào.
|
Lớp tập huấn "Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số" tại xã Dân Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình). |
Đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào đang sinh sống trên địa bàn xã trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tại địa phương; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chứt, Bru-Vân Kiều… đang bị mai một dần và có những nét văn hóa đặc trưng bị mất dần bản sắc. Vấn đề này đặt ra những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, việc tổ chức các lớp tập huấn cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã Dân Hóa là rất thiết thực.
Qua lớp tập huấn sẽ giúp cho đồng bào có những kiến thức cơ bản về kỹ năng sinh hoạt CLB, kỹ năng trao truyền và biểu diễn các làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc mình. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào; đồng thời, đề cao vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín, đồng bào đang sinh sống trên địa bàn; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
|
Nét đẹp lao động của đồng bào Chứt. (Ảnh tư liệu) |
Ông Võ Thanh Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình cho biết, việc tổ chức lớp tập huấn "Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Dân Hóa" là góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của đồng bào Bru - Vân kiều và đồng bào Chứt.
Được biết, trong thời gian tới, Sở Văn hoá và Thể thao Quảng Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thị tổ chức thêm nhiều hoạt động tương tự tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những hoạt động như thế này sẽ nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay; đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào đang sinh sống trên địa bàn; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn nhằm khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động nói trên sẽ giúp việc thực hiện hiệu quả việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhiều cán bộ văn hóa cơ sở; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào; góp phần gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống...
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, đến nay, trên toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được nhiều CLB sinh hoạt văn hóa dân gian ở các xã: Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa), Trọng Hóa, Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), Dân Hóa (huyện Minh Hóa).
Mỗi CLB có trung bình 50 thành viên là những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, những hạt nhân văn nghệ... Các thành viên dù ở nhiều độ tuổi nhưng đều yêu thích, đam mê văn hóa, văn nghệ và mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tham gia câu lạc bộ văn hóa dân gian, bà con được hướng dẫn, tập luyện kỹ năng tổ chức xây dựng câu lạc bộ, các nghi thức tổ chức lễ hội, hát các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống, thu hút khách du lịch.