|
Người Churu. |
Hiện nay, đồng bào Churu vẫn duy trì lối sống trong các làng thường được gọi là “plei”. Làng của họ có những dòng tộc lâu đời sinh sống, với tính ổn định tương đối cao, cho nên thế hệ sau thường vẫn còn lưu giữ các phong tục, tập quán của tổ tiên. Đặc biệt là chế độ mẫu hệ vẫn âm thầm tồn tại trong tâm thức của họ.
Người Churu có tiếng nói riêng, nhưng không có chữ viết, họ lưu truyền quan niệm, tri thức của mình thông qua ngôn ngữ, sinh hoạt cộng đồng. Có thể dễ dàng thấy trong vốn ca dao, tục ngữ khá phong phú; nổi bật là những bài hát, dân ca, dân vũ... ca ngợi chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ trong xã hội.
Quan niệm hôn nhân của người Churu vì vậy cũng mang đậm màu sắc của chế độ mẫu hệ, tạo ra những nét đặc sắc, thú vị. Trong mỗi bản làng Churu, người phụ nữ có quyền hành lớn hơn người đàn ông, việc đó thể hiện rất rõ qua “thủ tục” cưới xin của người Churu. Khác với những thiếu nữ người Kinh, người Thái,… sẽ được các chàng trai đưa cha mẹ đến tận nhà đặt lễ cầu hôn, các cô gái người Churu sẽ tự mình đi tìm kiếm hạnh phúc.
|
Chế độ mẫu hệ vẫn âm thầm tồn tại trong tâm thức của đồng bào Churu. |
Khi con gái Churu đến tuổi lấy chồng, nếu họ tìm được đối tượng khiến mình “ưng cái bụng”, họ sẽ có quyền “bắt chồng”, có nghĩa là về thưa với cha mẹ nhờ người mai mối, cùng với ông cậu hoặc người chị cả đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt. Các chàng trai có quyền từ chối, bằng cách trả lại nhẫn do những cô gái tặng, tuy nhiên, nếu bên nhà gái vẫn kiên trì theo đuổi, họ sẽ tìm cách đeo bằng được nhẫn cho đến khi chàng trai đồng ý.
Còn nếu nhà trai bằng lòng thì hai bên quy định ngày giờ cưới hỏi. Trong đó, vật đính ước là chiếc nhẫn bạc không thể thiếu. Khi nhà gái đến bắt chồng là phải tặng nhẫn bạc, vòng cườm, khăn cho các thành viên trong dòng họ nhà trai. Số lượng nhẫn, vòng và khăn phụ thuộc vào nhà trai, ít nhất cũng phải 50 chiếc nhẫn bạc, vòng cườm và khăn... Sau khi kết hôn, người vợ sẽ ở lại nhà chồng trong vòng một tuần, họ không chỉ làm hết tất cả những công việc nặng nhọc, khó khăn. Mà còn phải bỏ tiền ra sắm sửa các vật dụng trong nhà, cho đến ngày thứ tám, nhà gái sẽ mang cỗ đến, thiết đãi hai bên gia đình nội, ngoại. Khi tiệc đã tàn, thì người con rể mới cưới, sẽ theo về gia đình nhà vợ.
Không chỉ trong phong tục cưới hỏi, ngay cả cuộc sống gia đình của người Churu, cũng dễ dàng thấy được địa vị của phụ nữ. Họ thường sống 2-3 thế hệ trong một ngôi nhà lớn, mà tại đó, vai trò của người mẹ và người cậu (em trai của mẹ) hay được gọi là “miăh” sẽ có quyền lực lớn. Mặc dù người đứng đầu trong nhà, vẫn là một người đàn ông lớn tuổi, có thể bố chồng, ông chồng, tuy nhiên, thực tế họ vẫn thực hiện ý kiến của người phụ nữ có hôn phối với mình và người cậu (hoặc người đàn ông nào đó trong gia đình vợ). Quyền thừa kế gia sản của người Churu cũng thuộc về con gái, chứ không phải con trai. Họ của người Churu theo bên mẹ, chứ không phải theo họ bố.
Tuy nhiên, người Churu đi theo chế độ mẫu hệ chứ không phải nữ quyền, cho nên, người phụ nữ đi kèm với vị thế, cũng là những trách nhiệm vô cùng nặng nề. Họ đóng vai trò người chồng, người cha, trở thành “trụ cột” trong gia đình, họ không chỉ có trách nhiệm sinh con đẻ cái, giữ mọi của cải, mà còn phải thạo cả việc lên nương, làm rẫy. Cứ vào mỗi buổi sáng, dễ dàng thấy người phụ nữ Churu đi làm ruộng, theo đằng sau là những đứa con, đứa lớn địu đứa nhỏ, chăm em, để mẹ làm việc.
Hiện nay, chế độ mẫu hệ đó vẫn tồn tại trong cuộc sống của người Churu, nhưng đã có những thay đổi để phù hợp với thời đại. Ví dụ như, quyền lực trong gia đình đã có sự cân bằng giữa phụ nữ và đàn ông. Người đàn ông đã có thể “thỏa thuận” cùng với gia đình vợ, có thể lấy họ bố đặt tên cho các con hoặc một nửa các con theo họ bố, một nửa theo họ mẹ. Tuy nhiên, chế độ mẫu hệ vẫn là nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Churu, hiện đang được thế hệ trẻ hòa nhập và điều chỉnh phù hợp với thời đại, để tránh những hủ tục như thách cưới quá cao; đám ma và đám cưới rình rang gây lãng phí; hoặc con cô con cậu và cận huyết thống không được lấy nhau; lấy chồng lấy vợ phải đủ tuổi theo pháp luật quy định; khi vợ chết thì người chồng không về nhà gốc...