Phát hiện bãi đá cổ khắc hình ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải

Thứ sáu, 28/10/2022 15:53
(ĐCSVN) – Theo thông tin từ Phòng Văn hoá và Thông tin (VHTT) huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), người dân xã Chế Cu Nha mới phát hiện được khối đá khắc cổ khắc hình học và ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp.
Một trong những khối đá cổ được phát hiện (Ảnh: Theo Báo Văn hóa) 

Địa điểm nơi phát hiện đá khắc cổ nằm cách trụ sở xã khoảng 4km theo đường chim bay về hướng Đông, và cách cây cầu Si Dô (thị xã Nghĩa Lộ đi hướng Mù Cang Chải thuộc địa bàn xã Chế Cu Nha) khoảng 5 km, thuộc thôn Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha.

Nằm trong rừng phòng hộ có dòng nước mạch chảy xuôi về hướng Đông, xa xa là các thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp. Vị trí có khối đá khắc cổ cũng có khá nhiều các khối đá sa thạch thể khối lớn (từ 1m3 đến 20m3) nằm rải rác cách nhau từ 7m đếm 80m. Trong đó có khối đá hơi vuông với chiều dài hơn 2m, chiều rộng khoảng 2m, khối đá này có mặt phẳng hơi lồi, trên bề mặt khắc phủ kín các loại hình: hình tròn lõm (7 hình), hình thoi lõm (1 hình), hình tròn lồi đồng tâm lớn (1 hình), hình học và hình ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp trang trí xung quang rìa của khối đá tạo nên một “siêu phẩm” kỳ lạ, độc đáo.

Theo anh Lù A Trư, cán bộ xã là người địa phương, ở cách khối đá khắc cổ này về hướng Đông khoảng 20m có khối đá lớn khoảng 20m3 (người địa phương gọi là đá bố, đây là một dạng Cự thạch), khối đá người Mông thường đến cúng “thần đá” để cầu “sức khỏe”, còn khối đá có khắc cổ là “khối đá mẹ” theo cách gọi của người Mông địa phương. Và ở trên cao hơn nữa của khối đá bố về phía Đông - Tây khoảng 150m cũng có 2 khối đá hình trụ khoảng hơn 1m3 cũng có hình khắc cổ ruộng bậc thang và hình tròn lõm trong rừng. Sơ bộ cho thấy, các đề tài hình khắc khá tỷ mỉ, kì công, uốn lượn mềm mại theo mặt lồi lõm của mặt đá, có dạng hình ruộng bậc thang là thể loại đề tài chính trên khối đá này, giống như đã từng phát hiện được ở xã Lao Chải (Mù Cang Chải các năm 2015, 2020 và năm 2021). Nhìn chung, so sánh đề tài khắc họa trên đá nổi bật duy nhất vẫn là đề tài ruộng bậc thang, giống nhau, điểm khác biệt ở xã Chế Cu Nha là có chạm hình tròn đồng tâm lồi nổi như mặt trống và hình thoi lõm. Đây là hình họa khác so với 14 khối đá phát hiện từ trước đó trên địa bàn xã Lao Chải.

Dưới góc độ dân tộc học, đây có thể là các vết khắc, chạm của cư dân bản địa người Mông, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVI – XVII, và vẫn có thể là các bản “thiết kế ruộng bậc thang”, hoặc họa lại ruộng bậc thang khi chủ nhân của ruộng cảm nhận được vẻ đẹp của ruộng bậc thang do chính chủ thể tạo nên. Đây không phải là ký hiệu cột mốc, càng không phải là họa đồ mà nhiều người từng đoán định, mà chỉ có thể là “Bản thông điệp thiết kế ruộng bậc thang của người xưa hoặc họa lại ruộng bậc thang trên đá” của người bản địa. Người bản địa chính là tộc người đang sinh sống ở nơi đây và cho phép chúng ta suy luận: Tộc người Mông nói chung rất thích ở nơi có khí hậu ôn đới núi cao mát mẻ, sống bằng nghề trồng trọt nương rẫy, săn bắt, hái lượn và di cư, là một tộc người rất thông minh, sáng tạo, tự sản xuất ra tất cả dụng cụ sản xuất, săn bắt, đến văn hóa tinh thần. Nhưng một khi không còn rừng để làm nương rẫy, và cũng không thể lên cao hơn được nữa (vì đây là đỉnh núi) cộng với do sức ép dân số tăng, rừng hạn hẹp buộc phải sáng tạo phương thức sản xuất mới kết hợp chăn nuôi, thì đó chính là ruộng bậc thang của hiện tại.

Từ thực tế so sánh các bức họa khắc trên đá rất giống hình ruộng bậc thang hiện tộc người này đang canh tác và từng bước mở rộng tầng tầng, lớp lớp các thửa ruộng bậc thang, họa vào tự nhiên thành một danh thắng đẹp (nay là Danh thắng ruộng bậc thang cấp Quốc gia đặc biệt), cung cấp thóc gạo nuôi sống con người định cư bền vững. Hiểu theo hướng nghiên cứu như vậy thì mới “đọc” được những bản thông điệp kể trên và dĩ nhiên rất cần các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, giải mã làm rõ xác thực cả niên đại và về lĩnh vực dân tộc học cho bãi đá khắc cổ trên địa bàn Mù Cang Chải.

Việc phát hiện thêm mới bãi đá khắc cổ ở xã Chế Cu Nha và xã Khau Mang huyện Mù Cang Chải, đã mở ra tiềm năng nghiên cứu, thống kê các khối đá khắc cổ trên địa bàn huyện, khảo cổ học hang động, dân tộc học, tự nhiên… sẽ đặt ra cơ sở khoa học phục vụ các nhà hoạch định, quy hoạch phát triển du lịch khám phá gắn với ruộng bậc thang và khu bảo tồn loài sinh vật cảnh Mù Cang Chải, từ đó nâng tầm giá trị danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Trước mắt đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền và nâng cao ý thức tham gia bảo vệ các di tích khảo cổ học (đá khắc cổ) trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

PV (T.H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực