Nghệ thuật múa Rô-băm của người Khmer

Thứ ba, 25/10/2022 13:51
(ĐCSVN) - Múa Rô-băm là loại hình nghệ thuật múa dân gian sáng tạo, đầy tài năng của người nghệ sĩ Khmer, là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa và đã đạt đến trình độ nghệ thuật rực rỡ.

Xuất hiện trong đời sống xã hội người Khmer từ xa xưa, múa Rô-băm được biểu diễn vào dịp  các lễ tết của cộng đồng như: Lễ cầu an, tết Chol Chnam Thmay, lễ dâng bông, lễ Đol Ta, lễ cúng trăng Ook-Om-bok,...Tuồng tích Rô-băm dựa vào những tình tiết của tuồng cổ điển từ Riêm-kê với các nhân vật điển hình như nàng Sita, chằn Krông Reap, thần khỉ Hanuman; dựa theo cốt truyện văn học dân gian Khmer địa phương như Preh Chinh Na Vông (Hoàng tử Chinh Na Vông), Sang Sla, Tup Soong Va Vông, Ratana Vông, Săng Sla Chêy, Linh Thuônh; ông lão, bà lão, đặc biệt là vai hề dẫn truyện, mua vui cho khán giả và dân làng. Cốt truyện thường theo mô típ Thiện và Ác, Thiện luôn thắng Ác.

Nhân vật theo hai tuyến chính diện và phản diện đều do nữ đóng. Ngoài nhân vật con người còn có nhân vật chằn thuộc phái phản diện, một vở có thể có nhiều nhân vật chằn, nhân vật thú như: Chim thần (Krud), khỉ (Hanuman), nai, thỏ…

Nhạc cụ sử dụng trong Rô-băm có 5 loại: Trống đùi (Sko Thum), trống tay (Sko Sampo), kèn Sro Lay, cồng (Kuông Skôr), cồng không núm (Khmuôh). Kèn Sro Lay đóng vai trò định âm cho giai điệu và thể hiện tính cách của từng nhân vật. Các nhạc cụ còn lại để đệm và giữ tiết tấu các điệu múa và nhạc nền cho hát nói.

 Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh biểu diễn điệu múa Kin nor.

Theo tài liệu, múa trong Rô-băm đan xen giữa múa cổ điển và múa dân gian. Tư thế múa tay của nữ bắt nguồn từ múa cổ điển với 5 thế tay: Lia (lá), Chip (nụ), Chong Ol (chồi), Phka (hoa), Khuông (quả) kết hợp với 7 tư thế khung tay và 7 tư thế chân. Múa dân gian có phong thái ung dung, khoan thai và ít tính nghiêm trang hơn. Rô-băm có 33 điệu múa và thể múa, thế tay cơ bản có 8 điệu. Riêng múa chằn có 12 điệu, mỗi điệu có ý nghĩa và tạo hình khác nhau. Sân khấu của Rô-băm có tính ước lệ khá đơn giản, nổi bật là cảnh trang trí vẽ quang cảnh hoàng cung hoặc rừng rậm âm u.

Trong nghệ thuật Rô băm, điệu múa Kin nor (nàng tiên nữ) là một điệu múa tiêu biểu được  lấy cảm hứng từ huyền tích về chim đực Kaynora và chim cái Kaynorrây luôn nương tựa nhau ở núi rừng, vượt qua những sóng gió, sự đe dọa của muôn loài, càng gian truân tình cảm càng thủy chung, sâu sắc. Các nghệ nhân đã khắc họa chim Kaynor trở thành một biểu tượng của lòng thủy chung, vượt qua những khó khăn vươn lên, mưu cầu hạnh phúc, qua đó, đưa người xem đến với những giá trị nghệ thuật dân gian đã sáng tạo. Năm 2019, nghệ thuật Rô băm của người Khmer được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong cộng đồng đồng bào Khmer sinh sống ở vùng đất Nam Bộ thì đồng bào Khmer tại Trà Vinh là những người kế thừa khá nguyên vẹn nghệ thuật Chầm riêng Chà pây. Hình ảnh người nghệ nhân đàn hát Chầm riêng Chà pây đã thẩm thấu trong đời sống, văn hóa biết bao thế hệ đồng bào Khmer Nam Bộ. Thông qua tiếng hát ân tình, giáo dục con người đạo làm người, cách đối nhân xử thế, lẽ sống, góp phần tạo nên cốt cách cao đẹp của cộng đồng đồng bào Khmer ở nước ta.

N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực