Huyện Krông Pắc thành công từ 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Thứ ba, 19/09/2023 08:07
(ĐCSVN) - Những ai đã đến huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk nay có dịp trở lại sẽ đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện của các địa phương trong huyện. Đặc biệt là kinh tế tăng trưởng, đô thị, nông thôn khởi sắc rõ nét; Đảng bộ và hệ thống chính trị chủ động, linh hoạt, sáng tạo với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”.

Đồng chí Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, đặc biệt là triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, giành được nhiều thành tựu nổi bật, thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trước hết, với nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 9/4/2021 “Về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Nổi bật là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên cây lúa nước, đưa những giống lúa có giá trị cao vào sản xuất như ST24, ST25 với tổng diện tích 1.824 ha; triển khai xây dựng, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP được 200 ha. Kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (người đội mũ cối) thăm trang trại sầu riêng của người dân.

Krông Pắc có thế mạnh về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với gần 29.000 ha cây lâu năm, 35.000 ha cây hàng năm với những cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, chuối, hồ tiêu… Trong đó, diện tích sầu riêng gần 4.000 ha, có 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm. Năm 2023, dự kiến thu về cho người nông dân khoảng 5.000 tỷ đồng. Có thể thấy, cây sầu riêng đã mang lại giá trị kinh tế cao, đời sống người nông dân ngày càng khá giả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Với tiềm năng về đất đai và thế mạnh nông nghiệp, Krông Pắc triển khai mời gọi, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như: Công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, chăn nuôi, hạ tầng đô thị, đầu tư dự án nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân Tiến, gần nút giao với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích quy hoạch 320 ha.

Huyện chủ trương thu hút đầu tư các dự án nhà máy thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu nông sản có công suất từ 5.000 đến 10.000 tấn sản phẩm/năm tại các xã: Ea Yông, Krông Búk; nhà máy sản xuất bao bì, túi xách tại xã Hòa Tiến có công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm; dự án trung tâm thương mại huyện tại Khu đô thị Đông Bắc, thị trấn Phước An; triển khai đăng ký được nhãn hiệu Sầu riêng Krông Pắc (KRONG PAC DURIAN); đã được cấp 29 mã vùng trồng trên cây sầu riêng với tổng diện tích 1.850 ha. Đặc biệt, tổ chức thành công “Lễ hội sầu riêng Krông Pắc” lần thứ nhất năm 2022, thu hút trên 40.000 lượt du khách về tham quan; đăng cai tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.

Chăn nuôi đã chú trọng phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Đến nay, huyện có 27 trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp những năm qua là phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Năm 2022, Krông Pắc có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao; năm 2023, có 30 sản phẩm được đăng ký tham gia dự thi công nhận sản phẩm 3 sao. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác xã, đổi mới phương thức liên kết sản xuất theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Từ đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tính trên 1 ha đất đến cuối năm 2023 ước đạt 141,4 triệu đồng/ha/năm; tăng 1,78 lần so với năm 2020.

 Năm 2022, Krông Pắc có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao.

Đối với khâu đột pháp đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 30/12/2020 “Về đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện đến năm 2025”; Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 26/12/2022 “Về phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Cùng với tổ chức thành công “Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc” lần thứ Nhất năm 2022 và tham gia các chuỗi hoạt động của “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” năm 2023; đăng cai tổ chức thành công Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo sức lan tỏa, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh một Krông Pắc năng động, đổi mới, khát vọng vươn lên.

Theo Chủ tịch UBND huyện, Đinh Xuân Diệu, Krông Pắc đã xác định, lập danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các bộ, ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và nước ngoài; ký kết ghi nhớ 24 dự án với tổng số vốn đăng ký 11.247 tỷ đồng, một số dự án đã và đang được triển khai thực hiện. Đã xây dựng, phục hồi một số điểm đến, đầu tư cơ sở vật chất cho 2 di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia là Khu đồn điền CADA và Miếu thờ CADA, đây là một trong những điểm tổ chức các hoạt động của “Lễ hội sầu riêng Krông Pắc” thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, là điểm hoạt động ngoại khoá, giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, giới trẻ… xúc tiến kết nối một số điểm dịch vụ, du lịch sinh thái.

Đặc biệt, huyện Krông Pắc đã tập trung cải cách hành chính, đây là nhiệm vụ đột phá thứ ba của địa phương. Theo Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình số 25-CTr/HU, ngày 9/6/2021 “Về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đảng bộ huyện Krông Pắc lãnh đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, triển khai đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, năng động, chuyên nghiệp.

Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang tập trung triển khai Đề án chuyển đổi số huyện Krông Pắc giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư nâng cấp, sửa chữa, trang bị các trang thiết bị cần thiết tại bộ phận hành chính công huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại các xã, thị trấn. Tổ chức thi tuyển viên chức, công chức cấp xã, bố trí bảo đảm đủ cán bộ, công chức theo vị trí, việc làm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Thành quả rõ nét nhất là huyện Krông Pắc được xếp thứ Nhất về chuyển đổi số năm 2021; xếp thứ Ba về chỉ số cải cách hành chính năm 2021, năm 2022, tăng 8 bậc so với đầu nhiệm kỳ.

Thành quả từ tinh thần quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, lựa chọn chính xác những mục tiêu trọng điểm, những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo; phấn đấu xây dựng huyện Krông Pắc phát triển vững chắc, giàu bản sắc, trở thành huyện nông thôn mới, vững mạnh toàn diện vào năm 2025./.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực