Thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản

Thứ sáu, 29/10/2021 16:15
(ĐCSVN) - Ảnh hưởng của thiên tai trong những ngày vừa qua đã gây một số thiệt hại. Trong đó, tại Bình Định, 1 tàu cá nhỏ không có số đăng ký bị sóng đánh chìm tại cửa biển Tam Quan làm 1 người chết, 1 người mất tích. Tại Đà Nẵng, dông lốc đã làm tốc mái 17 căn nhà tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.
 Người dân thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương) đang tích cực sửa chữa, lợp lại mái nhà sau lốc xoáy  (Nguồn ảnh: baodanang.vn)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bình Định, thành phố Đà Nẵng, ảnh hưởng của thiên tai trong những ngày vừa qua đã gây một số thiệt hại. Trong đó, tại Bình Định, 1 tàu cá nhỏ không có số đăng ký bị sóng đánh chìm tại cửa biển Tam Quan làm 1 người chết, 1 người mất tích. Tại Đà Nẵng, dông lốc đã làm tốc mái 17 căn nhà tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, về tình lũ, mực nước trên các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đều xuống dưới báo động 1, riêng sông Vu Gia tại Thành Mỹ trên báo động 1 là 0,51m, sông Đà Rằng tại Củng Sơn trên báo động 1 với 0,27m, sông Srêpốk tại Bản Đôn trên báo động 1 là 0,17m, sông Krông Ana (Krông Buk) trên báo động 1 là 0,46m.

Từ 29-31/10, trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; đỉnh lũ trên thượng lưu các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh; các sông từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; hạ lưu các sông ở Nghệ An và Hà Tĩnh còn dưới mức báo động 1. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tới để chủ động các biện pháp ứng phó. Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở, tìm kiếm người mất tích, khôi phục sản xuất.

Vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du, dành dung tích đón lũ và đảm bảo an toàn công trình đang thi công. Tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thiên tai, thời tiết, đảm bảo an toàn.

Sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực