Bài 4: Là cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số thì càng phải tiên phong, gương mẫu!

Phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ bảy, 16/09/2023 17:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ vững về tư tưởng chính trị mà còn phải sáng tạo, phát huy tinh thần tiên phong “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để tích cực sản xuất tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu.

Bài 3: Tỏa sáng hình ảnh người đảng viên trong thời kỳ đổi mới

Bài 2: Tạo nguồn phát triển đảng viên bền vững

Bài 1: Phát triển đảng viên: Nhiệm vụ trọng yếu!

Đảng cho ta trái tim giàu

Đảng viên Hồ Thanh Phương (39 tuổi) là người Pa Cô, ngụ thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố là đảng viên.

Năm 25 tuổi, Hồ Thanh Phương tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin (Đại học Vinh). Thời sinh viên cũng như lúc mới ra trường, anh Phương làm việc ở Vinh (tỉnh Nghệ An) và từng làm trưởng phòng 1 công ty lớn. Thế nhưng, vì tình yêu quê hương nên chàng trai Pa Cô quyết định trở về A Lưới lập nghiệp.

 Vì tình yêu quê hương đảng viên Hồ Thanh Phương (39 tuổi) Pa Cô quyết định trở về A Lưới lập nghiệp.

Tại Huế, anh tiếp tục học văn bằng 2 - Quản trị kinh doanh và làm việc ở VNPT Thừa Thiên Huế. Hiện tại, anh là Giám đốc VNPT chi nhánh A Lưới. Năng động và sáng tạo, nên không chỉ “giỏi việc chung” giám đốc trẻ này còn làm kinh tế gia đình rất giỏi. Anh là người tiên phong nuôi cá tầm đầu tiên của A Lưới và cả tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Tôi quyết tâm làm giàu vì cuộc sống trước đây của mình rất cơ cực, mẹ mất sớm. Trong nhà, tôi là anh cả phải đỡ đần 4 đứa em ruột; ngoài ra, ba tôi còn phải nuôi thêm 4 đứa con của em ruột. Bên cạnh tình yêu bản làng, là người đảng viên nên tư tưởng luôn kiên định, tích cực, không sợ khó. Vì thế, nên mới dám bỏ vốn làm kinh tế, dù đó không phải là sở trường” - Anh Phương chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường anh kinh doanh mới cảm nhận hết ý chí và tấm lòng của người đảng viên này đối với bản làng. Bước đầu, anh đào ao, lót bạt và thả nuôi cá tầm Siberi. Mặc dù bước đầu được Trung tâm khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ anh thí điểm nuôi loại cá có giá trị kinh tế cao này nhưng do thiếu kinh nghiệm nên cá chết rất nhiều.

Rút kinh nghiệm từ những lần cá chết cộng với tham khảo kiến thức nuôi cá tầm qua nhiều kênh thông tin, anh quyết tâm xây dựng mô hình nuôi cá tầm hoàn chỉnh, phù hợp với thổ nhưỡng của A Lưới khi sử dụng nguồn nước lấy từ thác A Nor. Hiện tại, việc nuôi cá tầm của anh đã tạo công ăn việc làm cho 5 dân người sống ở đây.

Có được thành công như hiện tại, đảng viên người Pa Cô trải qua nhiều kỷ niệm phải trả giá về tiền bạc, thời gian, thậm chí cả sự nguy hiểm tính mạng. Anh Phương nói. “Mùa mưa năm 2020, sợ cá bị trôi nên tôi phải ra suối, không may bị trượt chân nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng phúc lớn, tôi đã may mắn thoát chết trong tích tắc. Thấy nguy hiểm, gia đình khuyên tôi nên nghỉ làm nông nghiệp, lo việc ở công ty là được rồi nhưng là đảng viên phải nghĩ đến điều tích cực, điều tốt đẹp, có thử thách nhưng không được thua cuộc nên tôi mới tiếp tục và có thành công như ngày hôm nay”.

Mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Phương cung cấp cá cho A Lưới cũng như toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.  

Sau quãng thời gian thử thách đầy khó khăn, hiện tại mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh đang dần ổn định, cung cấp cá cho A Lưới cũng như toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Với giá bán từ 300 đến 350 nghìn đồng/1kg; mỗi năm anh thu lời từ việc nuôi cá không dưới 400 triệu đồng.

Theo anh Phương, trong tương lai, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá tầm, đồng thời áp dụng khoa học, công nghệ để có thể cho cá ăn tự động, tự theo dõi sự phát triển của cá, có biện pháp xử lý kịp thời khi hồ xảy ra sự cố. Đồng thời, anh sẽ phát triển nơi đây trở thành một farmstay để du khách trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây là một loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm nông trại và lưu trú được nhiều người yêu thích hiện nay. Du khách cũng có thể câu cá thư giãn, thưởng thức ẩm thực cá tầm, tự chế biến các món ăn từ cá xứ lạnh.

Anh còn ấp ủ sẽ trồng thành công cây Wasabi (mù tạt) trên mảnh đất của mình và xuất khẩu được sang thị trường khó tính Nhật Bản. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới, hiện nay mô hình nuôi cá tầm phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương đã cho thấy nhiều triển vọng. Cá phát triển tốt, khách tham quan mô hình rất thích. Đầu ra cá tầm hiện nay cũng ổn định, khách hàng đánh giá cao chất lượng cá tầm nuôi ở A Lưới.

“Đồng chí Hồ Thanh Phương dù đã là cán bộ lãnh đạo nhưng không ngại khó, dám nghĩ dám làm để phát triển kinh tế. Đồng chí là người tiên phong nuôi cá tầm ở địa bàn. Đây là mô hình phù hợp với các điều kiện tự nhiên của địa phương nên huyện đang triển khai mở rộng. Đồng chí Phương là niềm tự hào của đồng bào nơi đây” - Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi chia sẻ.

“Lúc này, tôi vẫn nhớ như in giây phút đọc lời thề và giơ tay tuyên thệ trước Bác, trước lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hạnh phúc hơn nữa khi bản thân mang trong mình dòng máu đồng bào Pa Cô - những người con mang họ của Bác. Hiện tại, tôi đang được tiến gần hơn với những lí tưởng cao đẹp của Đảng, của Người và quyết tâm sẽ phát huy những điều tốt đẹp mà Đảng mang lại; xứng đáng là cầu nối giữa Đảng với đồng bào nơi mình sinh sống. Thú thật, Đảng cho ta trái tim giàu. Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”. Anh Phương nói trong tự hào.

Làm tất cả cho học sinh, cho quê hương

Một buổi chiều tại xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, chúng tôi đến gặp gỡ một đảng viên người Ba Na, đó là cô giáo Đặng Thị Hồng. Hiện cô Hồng là giáo viên giảng dạy môn sinh học của trường Trung học phổ thông A Lưới.

Với nụ cười niềm nở, cô giáo Hồng chân thành chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Tây Nguyên, cô “bén duyên” với chồng là anh Tân Tiên Lý cũng là người dân tộc Pa Cô, huyện A Lưới. Từ thời đang là sinh viên của một trường đại học ở Tây Nguyên, Cô đã ấp ủ ước mơ mô hình trồng nấm hữu cơ. Cuộc đời của cô bắt đầu thay đổi tại đại ngàn Trường Sơn.

 Cuộc đời của cô giáo ngừơi Ba Na bắt đầu thay đổi  bằng mô hình trồng nấm tại đại ngàn Trường Sơn (A Lưới, Thừa Thiên Huế).

Được đào tạo bài bản từ đại học, với kiến thức sinh học đang có cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Hồng quyết định lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm hữu cơ với mong muốn thay đổi hoàn cảnh sống, vừa cung cấp được nguồn thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Cô Hồng cho biết: Ban đầu, khi khởi nghiệp, cô rất khó khăn về vốn, nhờ Nhà nước cho vay, cô đã mạnh dạn đầu tư trồng nấm rơm từ năm 2009. Cô đã đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, vượt qua bao nhiêu lần thất bại, cô giáo “miền sơn cước” vẫn không nhục chí. Nhờ bản lĩnh, ý chí kiên cường, cô Hồng đã có những bước thành công đầu tiên khi sản phẩm nấm ngày càng đều hơn, đẹp hơn, chất lượng hơn, được khách khen nấm tươi, ngon, ngọt. 

Đến năm 2016, cô giáo Hồng nghiên cứu xu thế thị trường, và quyết định mở rộng mô hình, trồng thêm nấm sò. Những sản phẩm của cô đã nổi tiếng về miền xuôi, và được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng động viên, hướng dẫn làm Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

 Cô Hồng đã mạnh dạn hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Bằng phương thức mưa dầm thấm lâu, khơi dậy tinh thần đoàn kết sẻ chia, vốn là truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số; bằng uy tín, trách nhiệm của người đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số, cô giáo dạy sinh quyết định vận động, liên kết chị em phụ nữ nghèo không có việc làm, cùng tham gia trồng nấm sạch. Đến nay, tiếng lành đã đồn xa, ước mơ của cô giáo nơi “đại ngàn” cùng những bà con nơi đây đã thành công. Khách hàng tìm đến xưởng sản xuất của cô ngày càng đông. Trung bình một ngày xưởng bán được từ 25 đến 30 kg nấm ra thị trường.

 Năm học 2022 -2023, cô giáo Đặng Thị Hồng hướng dẫn cho 2 học sinh thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải 3 với đề tài " Trồng nấm dược liệu Vân chi trên mùn keo tràm có ở A Lưới".

Với những việc làm thiết thực và thành công đó, năm 2020 cô Hồng được Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen. Năm 2021, cô giáo Hồng được Ban Chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tặng Giấy khen danh hiệu "giỏi việc trường  đảm việc nhà".

Cô Hồng vui vẻ kể: “Mỗi ngày có thể bán được từ 1 - 1,5 triệu đồng tiền nấm. Bên cạnh đó, bà con nơi đây cũng có trung bình một tháng khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Mình đã vận động được 15 hộ trên địa bàn huyện cùng tham gia sản xuất kinh doanh nấm hữu cơ. Hiện nay, mình thường xuyên cung cấp phôi nấm đồng thời chuyển giao, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, thu hoạch nấm sao cho đúng với quy trình cho nhiều hộ dân trên địa bàn”.

Cô Hồng chia sẻ thêm: “Điều quan trọng nhất là việc trồng nấm giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Sau một thời gian các hộ đã có thể tự trồng, tự thu hoạch và đem ra thị trường để bán, từ đó đã giúp được bà con nơi đây có thu nhập khá ổn định. Bên cạnh đó, những phôi nấm đã hết mọc nấm sẽ ,amg đi ủ làm phân hữu cơ để trồng ổi, một loại trái cây đang được ưa chuộng, tiêu thụ tốt. Thu nhập một năm của gia đình tôi từ ổi cũng được khoảng 200 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh việc giảng dạy cho học sinh về kiến thức môn sinh học, cô Hồng còn vận dụng chuyên môn vào thực tiễn như phát triển cây nấm, cây ổi theo hướng hữu cơ. Qua mô hình sản xuất nấm của mình, cô Hồng đã mạnh dạn hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. “Năm học 2021 - 2022, tôi đã hướng dẫn cho 3 học sinh thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế" đạt giải khuyến khích với đề tài "xử lí rác thải hữu cơ bằng men vi sinh tự chế". Năm học 2022 - 2023 hướng dẫn cho 2 học sinh thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải 3 với đề tài "Trồng nấm dược liệu Vân chi trên mùn keo tràm có ở A Lưới".

Cô Hồng tâm huyết: “Mặc dù 2 đề tài đầu tiên hướng dẫn đều có giải mặc dù ko cao nhưng cũng chính là động lực cho nhũng đề tài hướng dẫn tiếp theo. Bản thân đã 42 tuổi, cái tuổi ưa ổn định, ưa nhẹ nhàng nhưng vì mình là đảng viên nên luôn muốn làm hết mình, làm tất cả cho học sinh, cho quê hương khi còn có thể…”.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, mô hình trồng nấm của cô Đặng Thị Hồng (Hợp tác xã nấm, ổi hữu cơ Hồng Lý), hiện đã mở rộng diện tích kinh doanh lên 700 mét vuông, với các loại nấm sò, nấm rơm, nấm vân chi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập tục và khí hậu của vùng núi A Lưới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sở Công thương Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ máy sấy rau củ, sấy giòn nấm, chuối… đa dạng hóa sản phẩm sau thu hoạch và xử lý tốt nông sản thu hoạch với số lượng lớn mỗi khi vào mùa mưa, đồng thời đưa nông sản hữu cơ  A Lưới vươn xa, đến gần với người tiêu dùng trong cả nước.

(còn tiếp...)

Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực