Bài 3: Tỏa sáng hình ảnh người đảng viên trong thời kỳ đổi mới

Phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế
Thứ sáu, 15/09/2023 13:05
(ĐCSVN) - Việc được kết nạp Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vinh dự không chỉ của cá nhân mà còn của cả bản làng. Đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã tận tâm, tận lực, cống hiến không ngưng nghỉ để xây dựng bản làng, quê hương ngày càng giàu đẹp. Việc làm ý nghĩa của những đảng viên này đã tô thắm thêm hình ảnh của người đảng viên, tạo thành nguồn sức mạnh động viên các thế hệ trẻ ở bản làng vượt qua khó khăn, trở ngại để tiếp bước vinh quang dưới lá cờ của Đảng.

Bài 2: Tạo nguồn phát triển đảng viên bền vững

Bài 1: Phát triển đảng viên: Nhiệm vụ trọng yếu!

Suốt đời theo Đảng, theo Bác Hồ

 Mỗi khi được tiếp xúc với nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - bà Hồ Kăn Lịch (80 tuổi, người Pa Cô), người đối diện đều được truyền ngọn lửa nhiệt huyết. Bà Hồ Kăn Lịch xúc động kể, bà tham gia kháng chiến, làm giao liên bí mật cho các cán bộ, đi lại giữa đồng bằng và huyện A Lưới từ năm 1959, khi đó bà mới 16 tuổi. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến, năm 1961, bà được phân công ra miền Bắc học chính trị.

 Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Kăn Lịch (đội mũ bên phải) cùng đoàn dũng sĩ miền Nam thăm Bác Hồ (Ảnh: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cung cấp).

Bà Hồ Kăn Lịch được kết nạp vào Đảng năm 1965 khi vừa tròn 22 tuổi. Trong quá trình kháng chiến, bà đã chỉ huy một đơn vị du kích, tổ chức đánh 49 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 150 lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, thu giữ được nhiều vũ khí. Với những chiến công oanh liệt giữa đại ngàn Trường Sơn, năm 1967, bà Kăn Lịch được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là nữ Anh hùng đầu tiên của người đồng bào Pa Cô. 

Năm 1968, bà bị sốt rét ác tính, được chuyển ra điều trị tại bệnh viện Quân Y 108 Hà Nội. Trong thời gian tại Hà Nội, bà được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Sau đó, bà được may bộ quân phục tai bèo giải phóng quân và được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Thỉnh thoảng, bà lại vinh dự được Bác gọi tới ăn cơm, có khi đi cùng đoàn dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc.

 Năm 1967, bà Hồ Kăn Lịch được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là nữ Anh hùng đầu tiên của người đồng bào Pa Cô.

Bà Hồ Kăn Lịch xúc động kể: “Tôi được gặp Bác Hồ 7 lần, trong đó 4 lần được ăn cơm chung với Bác. Những lần được gặp Người đều là những kỷ niệm khó quên”. Bà vẫn nhớ mãi câu nói của Người: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được phẩm chất, đạo đức anh hùng suốt đời còn khó hơn, phải học tập rèn luyện suốt đời…”.

“Khi Bác Hồ mất, tôi cùng với chị Tạ Thị Kiều (Bến Tre) vào viếng Bác. Tôi đau đớn và tự thề trước linh cữu của Bác là suốt đời nguyện theo Đảng, theo lời Bác dạy, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, xứng đáng là một người Bộ đội Cụ Hồ.” - bà Hồ Kăn Lịch nói.

Bà Hồ Kăn Lịch cho biết: “Những người dân A Lưới ngày đó và bây giờ đều rất tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, cho nên chúng tôi bất chấp gian khổ, con cháu mang họ Bác xung phong lên đường tiếp tế lương thực, tải đạn, vót chông đánh giặc. Người người, nhà nhà đều chiến đấu để bảo vệ đường Trường Sơn. Nhiều người Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Hy, Cơ Tu ở huyện A Lưới xin tự nguyện mang họ Hồ, như một lời hứa trọn đời theo Đảng, theo con đường Bác Hồ đã chọn…”.

Sau ngày hòa bình thống nhất, bà Hồ Kăn Lịch phụ trách công tác quy tập mộ liệt sĩ trở về nghĩa trang A Lưới. Bà cho biết, hiện các con của bà đều tốt nghiệp đại học và đều đang cống hiến rất tốt cho xã hội. “Điều tôi quan tâm là giáo dục truyền thống của huyện A Lưới anh hùng, giúp các cháu học sinh ở đây vươn lên học tập tốt, rèn luyện đạo đức để xây dựng địa phương ngày càng văn minh như miền xuôi, cho người đồng bào nơi đây hết khổ, xứng đáng với Đảng, với Bác Hồ, xứng đáng với mong ước của đồng đội chúng tôi đã hy sinh để có độc lập, tự do, thống nhất đất nước.” - bà chia sẻ.

Giữ gìn, lan tỏa mạch nguồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Tháng 3/2009, người Tà Ôi đã vô cùng tự hào khi có đứa con đầu tiên của dân tộc mình nhận tấm bằng Tiến sĩ lúc đang ở độ tuổi 36. Đó là chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu), lúc đó là Chánh Văn phòng Huyện ủy A Lưới (Thừa Thiên Huế). Chị Nguyễn Thị Sửu có lẽ là một trong số ít người dám vượt qua những hủ tục, đi tìm ánh sáng với "con chữ Bác Hồ", rồi xuống núi để học cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) phát biểu tại hội trường Quốc hội (Ảnh: VP HĐND tỉnh TT. Huế ).

9 tuổi mới vào lớp 1, để rồi từ đó là một chuỗi dài đằng đẵng những thử thách thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Hết cấp I, rồi cấp II và cấp III, chị Nguyễn Thị Sửu học Đại học Sư phạm. Vào năm thứ 3 ở trường Đại học Sư phạm, chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Làm sao cho đồng bào mình trên núi sớm an cư, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống? Làm sao cho lũ trẻ được đến trường học tập đầy đủ? Làm sao để những phụ nữ không còn bị ràng buộc vào những hủ tục như mẹ trước đây?... Là người con của đồng bào Tà Ôi, nỗi khát khao, mong muốn giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cứ thôi thúc, khiến chị Kê Sửu đau đáu ngày đêm. Những khao khát ấy khiến chị phải hành động bằng những việc làm cụ thể. Và sau khi được kết nạp vào Đảng, những khát khao, mong muốn ấy càng nung nấu trong lòng người đảng viên trẻ.

Dấu chân của người phụ nữ Tà Ôi này đã in trên nhiều bản làng của núi rừng Trường Sơn, để nghe già làng kể chuyện, tập hợp những câu dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi của người Tà Ôi. Ngoài tiếng Tà Ôi, chị còn tự học thêm tiếng Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Hy... Hiện chị Nguyễn Thị Sửu đang là Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người đảng viên Nguyễn Thị Sửu không chỉ chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ, mà từ ngôn ngữ, chị còn thấy được những mạch nguồn văn hóa của các dân tộc thiểu số khắp vùng A Lưới. Từ luận án Tiến sĩ, cho đến hàng chục đề tài nghiên cứu, hàng chục cuốn sách, hàng trăm câu ca dao, tục ngữ, hàng trăm câu chuyện cổ được chị sưu tầm, sáng tác, nghiên cứu, đặc biệt là bản thảo và băng ghi âm về sử thi A Chất... đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giá trị văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Ánh lửa sáng trên đại ngàn Trường Sơn

Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa (người Pa Cô) - hiện là giáo viên Trường Phổ thông trung học A Lưới (huyện A Lưới) cho biết: “Năm 2011, mình ra trường và nhận công tác tại ngôi trường trên chính quê hương mình nơi vùng cao A Lưới. Mang trong mình dòng máu người con Pa Cô - Con cháu Bác Hồ, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cố gắng, học hỏi, và luôn phấn đấu, tháng 6 năm 2015, mình rất vinh dự và tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Cô giáo Nguyễn Thị Khánh Hòa (ở giữa) luôn được các em học sinh yêu quý.

“Sinh ra và lớn lên nơi đại ngàn Trường Sơn, là người đồng bào dân tộc thiểu số, mình hiểu hơn hết cuộc sống của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là niềm vinh dự, niềm tự hào mà còn là trách nhiệm lớn đối với mỗi quần chúng ưu tú, đặc biệt là các em học sinh. Bản thân mình luôn lấy đó làm động lực để cố gắng phát triển; luôn là đảng viên gương mẫu, nỗ lực, tiên phong trong các hoạt động dạy và học, các hoạt động đoàn thể.” - cô giáo Trương Thị Khánh Hòa chia sẻ.

Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa tâm sự, trong 11 năm gắn bó với “Đại ngàn Trường Sơn”, cô luôn luôn phấn, hoàn thành tốt công tác giảng dạy và nhiệm vụ được giao. Cô giáo Hòa vinh dự được Ban Thường vụ Huyện ủy tặng Giấy khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền (2018 - 2022). Năm 2022, được vinh dự là 1/68 thầy cô giáo trên cả nước tham gia Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào Tạo, tập đoàn Thiên Long tổ chức. Bản thân cô vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo; Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam; được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen trong năm học 2020 - 2021.

Cô giáo Hòa còn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc, tiêu biểu năm học 2021 - 2022. Ngoài ra, cô Hòa đã có sản phẩm tham gia Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021 cấp Bộ và được chọn đăng lên kho học liệu số của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Để xứng đáng hơn nữa với hai chữ "Đảng viên", tự hào là khi là một người đồng bào dân tộc thiểu số, ccô Trương Thị Khánh Hòa cho rằng: “Bản thân mình thấy cần phải nỗ lực trên nhiều lĩnh vực, phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa; luôn là người “truyền lửa” cho các thế hệ học sinh tiếp bước, đặc biệt là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng quê hương A Lưới giàu đẹp, thân thiện. Bản thân luôn gương mẫu, tích cực, rèn luyện kỹ năng của một người đảng viên trong thời kì đổi mới”.

(Còn tiếp...)

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực