Vì sao người tài lại phải ra nước ngoài định cư?

Thứ ba, 12/04/2016 16:05
(ĐCSVN) - Hiện tượng “chảy máu” chất xám, lãng phí nguồn nhân lực, du học rồi không về là chuyện “xưa như trái đất” đối với chúng ta. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, người tài lại phải ra nước ngoài định cư thì chúng ta mới “thấm” việc sử dụng nhân tài ở nước ta còn nhiều điều phải bàn và giải quyết...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Theo một số liệu thống kê, 40 năm qua, đất nước nước chúng ta có 228 lượt thí sinh đi tham gia Olympic Toán quốc tế, đoạt 52 Huy chương Vàng, 94 Huy chương Bạc và 67 Huy chương Đồng, 4 Bằng danh dự và 1 giải Đặc biệt.

Nhìn những con số “biết nói” này, nhiều nước trên thế giới phải nhiều phần kính nể chúng ta. Nhưng điều đáng nói ở đây là những tài năng này, sau khi đoạt giải, sau đó được đào tạo ở nước ngoài, họ đã trở thành những giáo sư, tiến nhưng tên tuổi lại không gắn liền với đất nước, mà lại gắn liền với các trường đại học, các công ty, các doanh nghiệp… danh giá trên thế giới.

Chưa hết, trong số 13 nhà vô địch chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được nhận học bổng đi du học, thì 12 người đã không trở về nước làm việc. Con số thống kê cho thấy, có 70% số du học sinh sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc ở nước ngoài chứ không về nước.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao người tài lại phải ra nước ngoài định cư? Có phải họ không yêu nước? Chúng tôi nghĩ là chắc chắn không phải, bởi đã là người Việt Nam, mang dòng dõi “con Rồng, cháu Tiên” thì tất nhiên ai cũng mang trong lòng mình tình yêu đất nước, yêu cội nguồn - nơi mình đã sinh ra và lớn lên.  

Vậy thì tại sao? Nhiều người từng học tập và công tác ở nước ngoài cho rằng, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc là những “rào cản” cơ bản khiến cho người tài không muốn quay về nước cống hiến sau khi học tập.

A.Đ - một du học sinh Việt Nam có bằng tiến sỹ ở lứa tuổi ngoài 20, với đề tài thuộc lĩnh vực môi trường từ Quebéc (Canada) khẳng khái cho biết: “Những gì chúng em được học và muốn làm thì rất khó thực hiện ở Việt Nam. Sự thiếu thốn các điều kiện thực hiện và hàng loạt những vấn đề tế nhị khác về vấn đề thủ tục hành chính, về kinh phí, về con người và đặc biệt là sự nhìn nhận thiếu công bằng đối với những trí thức trẻ đã khiến những sinh viên giỏi không muốn trở lại môi trường làm việc ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp”.

Một số em cũng đã về Việt Nam với mong muốn sống gần gia đình, đóng góp sức mình cho Tổ quốc, nhưng gần như sau một thời gian ngắn về nước, các em lại muốn ra đi. Đơn giản, vì chỗ dành cho người giỏi, người tài ở ta còn quá nhiều vấn đề bất cập.

Vậy nên, khi còn đương chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có lần phát biểu thẳng thắn: Mời những nhà nghiên cứu về làm việc ở nơi không thiết bị, thiếu những điều kiện làm việc tối thiểu nhất, không đồng nghiệp cùng trình độ thì chắc chắn tài năng của họ cũng thui chột dần.

Hơn nữa những chính sách ưu đãi đối với "người tài" ở nước ta mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, do các địa phương, đơn vị đặt ra chứ chưa có một cơ chế ở tầm quốc gia để khuyến khích các tài năng về nước công tác. Cụ thể, những năm gần đây, Hà Nội có hẳn một đề án thu hút nhân tài và Hà Nội sẵn sàng đón nhận tất cả các thủ khoa về cống hiến cho Thủ đô. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách này, Hà Nội chỉ tuyển dụng được xấp xỉ 10% so với số lượng thủ khoa xuất sắc được tuyên dương; trong đó, có không ít thủ khoa sau một thời gian công tác đã “dứt áo ra đi”.

Đáng chú ý, nhiều năm nay, hiện tượng tiêu cực trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ của ta, đang là rào cản với những "người tài". Vì “trí tuệ” được đứng ở vị trí cuối của sự lựa chọn cán bộ nhân tài đã làm cho không ít người tài lo lắng là liệu có “chen chân” vào được những vị trí làm việc tốt trong khi một số cuộc thi tuyển dụng vẫn nặng về “tính hình thức”, chưa thi đã biết ai đỗ, ai trượt (!?).

Đây cũng là lý do vì sao trong khảo sát năm 2015 của Thành tra Chính phủ về phòng chống tham nhũng lại có kết quả: Đa số người dân cho rằng, yếu tố năng lực trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ không được đề cao mà yếu tố quan trọng nhất là sự tác động của người có chức, có quyền (43,2%); tiếp đến là yếu tố tặng quà, tiền và có người thân quen (37%), chỉ 7% số người cho rằng yếu tố này không ảnh hưởng.

Suy nghĩ của nhân dân không phải là không có lý khi trong cuộc thi tuyển dụng công chức Thành phố Hà Nội năm 2015 có đến 50% thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước và có bằng loại giỏi nước ngoài không đạt khi sát hạch; hay cuộc thi tuyển công chức ở Vụ Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thì lộ ra toàn con với cháu trúng tuyển; rồi chuyện “cả họ làm quan” tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) …

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Chế độ đãi ngộ nhân tài chỉ là một phần nhỏ, mà quan trọng là ở cách sử dụng người tài và môi trường hoạt động ở nước ta không tạo điều kiện để người tài phát triển khả năng nên họ không về. Môi trường làm việc ở Việt Nam tồn tại nhiều tiêu cực, nên nhiều người về không quen với phong cách làm việc này.

Những giải thích nêu trên của những lãnh đạo, chuyên gia đã phần nào trả lời câu hỏi vì sao những người tài như: GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Đàm Thanh Sơn… không về nước để cống hiến, bởi khi về, có người trong số họ cảm thấy “lạc lõng” giữa những nhóm lợi ích, cơ chế xin - cho. Và họ cũng thấu hiểu “một cánh én không làm nên mùa xuân”… Những yếu tố này phần nào trả lời được câu hỏi: Nếu về nước thì liệu họ có “đất để dụng võ”, phát triển tài năng để cống hiến, trở thành người nổi tiếng, hàng đầu về các lĩnh vực trên thế giới?

Nhiều người cho rằng, từ trước đến nay, chính sách thu hút người tài của chúng ta là rất đúng đắn, nhưng từ chính sách đến cuộc sống thì còn khoảng cách xa vời. Chúng ta phải biết ưu tiên tập trung cho vấn đề gì, khâu nào. Với thực tế Việt Nam hiện nay, trước hết, chúng ta cần làm tốt khâu tuyển dụng, tạo điều kiện, môi trường làm việc và đãi ngộ xứng đáng thì ắt nhân tài sẽ không phải ra nước ngoài làm việc./.

 

 

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực