Kỳ 3: Bảo trì giao thông ngày càng bài bản, chuyên nghiệp

Những đột phá của ngành Giao thông trước mùa xuân 2023
Thứ sáu, 27/01/2023 16:25
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông của ngành Giao thông vận tải (GTVT) trong năm 2022 tiếp tục trở thành một “điểm sáng” trong bức tranh phát triển ngành “xương sống” của đất nước.

Kỳ 2: Ngành Giao thông Vận tải đột phá thể chế để nâng tầm phát triển

Kỳ 1: Giao thông vận tải phục hồi ấn tượng

Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội).

Nền nếp, bài bản, chuyên nghiệp

Để phục vụ an toàn, hiệu quả cho vận tải hành khách, hàng hóa và nhu cầu đi lại của Nhân dân, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) trong năm qua đã tiếp tục được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thường xuyên, liên tục với chất lượng ngày càng được nâng cao.

Năm 2022, Bộ GTVT tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực và triển khai các giải pháp siết chặt hoạt động bảo trì nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hệ thống KCHTGT.

Bên cạnh việc theo dõi, chỉ đạo, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch bảo trì, Bộ GTVT thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kịp thời phát hiện, xử lý ngay vi phạm trong thực hiện công tác bảo trì đối với 160 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 25.173km; 3.315km đường sắt quốc gia; 7.071km luồng đường thủy nội địa quốc gia; 34 cảng biển với tổng số bến cảng được công bố là 296 bến cảng, với khoảng 96,7km chiều dài cầu cảng; 45 luồng hàng hải công cộng với tổng chiều dài là 1.091km và 34 luồng hàng hải chuyên dùng; 22 cảng hàng không, sân bay mà Bộ GTVT quản lý.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hoạt động quản lý, bảo trì KCHTGT đã cơ bản đi vào nền nếp, bài bản và ngày càng được nâng cao về chất lượng phục vụ; chi phí được quản lý, nghiệm thu, thanh toán đúng quy định, sát thực tế và tiết kiệm; công tác ứng dụng khoa học công nghệ đã được đẩy mạnh giúp kịp thời phát hiện, khắc phục và nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình...

Nói về kết quả trong năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, dù đất nước hứng chịu nhiều cơn bão gây ảnh hưởng rất lớn đến KCHTGT, nhất là đường bộ, đường sắt nhưng tình hình giao thông cơ bản được bảo đảm thông suốt, kịp thời, an toàn, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

“Công tác quản lý bảo trì KCHTGT, phòng, chống thiên tai tiếp tục được cải thiện, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng, địa phương, đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.

Nhận diện rõ thách thức, cụ thể hóa giải pháp

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng thẳng thắn cho biết, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho công tác bảo trì còn hạn chế chỉ đáp ứng được khoảng 40% nên dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song công tác bảo trì một số tuyến đường bộ còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, đi lại của bà con nhân dân.

Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, Bộ GTVT đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm từ quá trình thực tế và định hình cụ thể các giải pháp nâng cao năng lực thích ứng trong năm 2023. Theo đó, trong lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sử dụng phương tiện, thiết bị công trình; định mức; các quy định làm cơ sở tổ chức thi công xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo trì.

 Bộ GTVT tiếp tục rà soát, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sử dụng phương tiện, thiết bị công trình; định mức; các quy định làm cơ sở tổ chức thi công xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo trì. 

Cùng với đó, Bộ GTVT chú trọng xây dựng kế hoạch bảo trì sát với thực tế nhằm phân bổ phù hợp nguồn lực tài chính dành cho bảo trì theo định hướng của Bộ GTVT, chiến lược an toàn giao thông quốc gia và tình hình khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, bảo trì KCHTGT đường bộ.

Trong lĩnh vực đường sắt, năm nay, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KHCT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; Đề án Nâng cao chất lượng KCHT đường sắt phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) liên quan đến bảo trì KCHT đường sắt, định mức KTKT trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt; tiếp tục thực hiện việc giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì KCHT đường sắt quốc gia theo chất lượng thực hiện.

Bộ GTVT cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá các công trình đã hết hạn sử dụng, các công trình có nguy cơ gây nguy hiểm đến an toàn chạy tàu, các công trình cầu chưa đảm bảo tải trọng, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách để xoá bỏ toàn bộ các lối đi tự mở qua đường sắt theo lộ trình quy định tại Nghị định 65/2018 của Chính phủ.

Trong đó, tập trung kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, lấn chiếm đất của đường sắt; tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994 ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo 566 đường ngang có gác.

Về đường thủy nội địa và hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 159/2018 quy định về nạo vét vùng nước hàng hải, đường thủy nội địa; hoàn thiện, ban hành Thông tư về phân cấp cho địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý bảo trì đường thủy nội địa.

Song hành với đó là đổi mới trong công tác lập, phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa đảm bảo hiệu quả, thiết thực, sát với thực tế. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo trì được phê duyệt.

Trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng để sớm thống nhất công tác phân định ranh giới đất đai của hàng không dân dụng và của Bộ Quốc phòng. Đồng thời tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra quản lý, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không, sân bay. Tổ chức sơ kết công tác giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý, khai thác tài sản KCHT hàng không của Nhà nước để có định hướng cho công tác quản lý, khai thác KCHT hàng không giai đoạn sau năm 2025.

Định hình công tác phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ trọng tâm, Bộ GTVT sẽ cập nhật phương án phòng chống thiên tai và phương án đảm bảo giao thông của một số tuyến đường huyết mạch, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam, QL1A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường quốc lộ khu vực vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là những vật tư, thiết bị chuyên dùng như dầm cầu, rọ thép, phao, phà… Đồng thời rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên triển khai xử lý, cải tạo các cầu, cống, ngầm, tràn không bảo đảm yêu cầu thoát lũ, các vị trí xung yếu có nguy cơ sụt lở, ngập úng gây ùn tắc giao thông nhằm đảm bảo ổn định cho công trình và giảm thiểu tác động của mưa lũ.

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt thực hiện công tác ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng giao thông; huy động tốt nguồn lực để khắc phục nhanh nhất sự cố do thiên tai gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là trên các tuyến giao thông huyết mạch. Đồng thời triển khai công tác điều tiết hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông và chống va trôi tại những vị trí cầu trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trong mùa lũ, bão./.

Bài, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực