Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp địa phương này tập trung triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Đồng Nai sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng và phòng, chống cháy rừng; thống kê quản lý vật nuôi; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng xã nông thôn mới thông minh cũng như quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của địa phương.
Sản xuất an toàn, chi phí thấp
|
Nông nghiệp Đồng Nai gắn với phát triển du lịch. (Ảnh: Ngọc Khương) |
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã tích cực hướng dẫn các địa phương, người dân triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí trong sản xuất như tự sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm; chú trọng các giải pháp phát triển các đối tượng vật nuôi khác ít chịu ảnh hưởng bởi thức ăn nhập khẩu, tận dụng nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm của nông nghiệp có trên địa bàn để làm thức ăn chăn nuôi; áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn…
Được biết, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1.454 ha cây trồng và trên 23,7 nghìn vật nuôi. Phong trào tự sản xuất, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic và nấm men rượu để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt được nông dân quan tâm ứng dụng. Đến nay, Tỉnh này đã ứng dụng mô hình trên cho hơn 270 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 30 ha so với năm 2021. Các địa phương đang triển khai mạnh chương trình này là huyện Vĩnh Cửu, huyện Cẩm Mỹ.v.v…
Những năm gần đây, các địa phương của tỉnh Đồng Nai đã tập trung chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi linh hoạt, hợp lý, tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính đều tăng.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 12 nghìn ha xoài, sản lượng đạt 88,5 nghìn tấn; có gần 13,4 nghìn ha chuối, sản lượng 112,4 nghìn tấn; gần 10,6 nghìn ha bưởi, sản lượng 51 nghìn tấn; chôm chôm hơn 9,2 nghìn ha, sản lượng 161 nghìn tấn…Cây trồng trên địa bàn tỉnh có xu hướng chuyển dịch từ cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, một số cây công nghiệp lâu năm như điều, hồ tiêu, cao su, cà phê… cũng giảm về diện tích để chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung nhân rộng các mô hình làm nông nghiệp sạch, liên kết nông dân vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ để có đầu ra bền vững. Đến nay, 100% diện tích trồng mới và tái canh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao. Toàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô hơn 1.454 ha cây trồng và gần 24 nghìn vật nuôi. Toàn tỉnh cũng có gần 150 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới.
Trong giai đoạn hội nhập, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường; công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.
Trong đó, ngành Nông nghiệp cũng chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Sản xuất theo chuẩn thị trường xuất khẩu
|
Sản xuất nấm phục vụ xuất khẩu ở Đồng Nai. (Ảnh: K.V) |
Thời gian gần đây, nhiều thị trường lớn trên thế giới đã mở cửa nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi các nước nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe. Để đáp ứng thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng phải bắt đầu từ khâu sản xuất với sự thay đổi về tư duy, thói quen của người nông dân.
Để trái cây đủ điều kiện tham gia vào thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, để triển khai rộng rãi hoạt động này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hội thảo triển khai công tác phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cán bộ ngành Nông nghiệp cũng như các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn Tỉnh… Mục tiêu nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Trong đó, tỉnh rất chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương. Đây là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay. Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng. Để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, tập thói quen ghi nhật ký sản xuất…,
Theo kế hoạch thực hiện thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, công tác kiểm tra, thiết lập các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu nông sản được thực hiện hằng năm. Triển khai thực hiện cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu theo đúng quy định, tiêu chuẩn và yêu cầu của nước nhập khẩu. Để đạt mục tiêu đặt ra trong việc nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.
Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng thông qua các hoạt động: tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan đến thiết lập, kiểm tra và giám sát, từ đó sẽ tập huấn cho các tổ chức, cá nhân để phục vụ cấp và quản lý mã số.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 20 chuỗi liên kết tiêu thụ các loại nông sản xuất khẩu, trong đó có 100% diện tích cây trồng của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng; đến năm 2025, toàn tỉnh cũng có thêm 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 6.448 ha.
Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho hay, toàn tỉnh này hiện có 40 nhãn hiệu tập thể về sản phẩm nông sản, trái cây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, nhiều nhãn hiệu tập thể được Uỷ ban Nhân dân tỉnh chấp thuận sử dụng địa danh với nhãn hiệu tập thể như: hồ tiêu Lâm San, nấm mèo Long Khánh, bưởi da xanh Bình Lợi, thanh long Xuân Hưng, rau cần nước Gia Kiệm… Các nhãn hiệu tập thể được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu. Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đã phối hợp với UBND các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ và TP Long Khánh ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của địa phương như sầu riêng Tân Phú, bưởi Vĩnh Cửu, hồ tiêu Cẩm Mỹ, bánh sữa Long Thành…Với sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 16 đơn vị được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Hiện hầu hết các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Trên thực tế, hiện Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả việc triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với lợi thế có diện tích sầu riêng lớn, tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đặt vấn đề hợp tác với nông dân nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Hiện tổng diện tích sầu riêng của Đồng Nai có gần 9,2 nghìn ha với hơn 8 nghìn ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 50,2 nghìn tấn/năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính chiếm khoảng 70%, còn lại 30% sản phẩm tiêu thụ trong nước.
Được biết, Đồng Nai hiện có 127/181 chuỗi liên kết thuộc lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích hơn 51,5 nghìn ha với hơn 11,4 nghifn hộ dân tham gia. Trong đó, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với cây ăn trái chiếm tỷ lệ cao là 61 chuỗi, 29 chuỗi cây công nghiệp, còn lại là các chuỗi liên kết về cây rau, cây lương thực, dược liệu…
Trong đó, nhiều chuỗi liên kết thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất sạch, xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (TP Hồ Chí Minh); chuỗi liên kết trồng, chế biến sâu ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán); chuỗi liên kết sản xuất tiêu hữu cơ xuất khẩu đi châu Âu của Hợp tác xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ).../…