Tăng tốc ngoạn mục, bứt phá xứng tầm

Chủ nhật, 22/01/2023 11:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Năm 2022, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ, với kết quả đạt được vượt qua sự kỳ vọng. Trong năm 2023, tiếp tục đà tăng trưởng đó cùng với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị vừa ban hành dành riêng cho Thành phố, hi vọng, kinh tế Thành phố sẽ tăng tốc ngoạn mục và có những bứt phá xứng tầm.

Kết quả vượt qua sự kỳ vọng

  Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh năm 2022 ước tăng 17,3% so với năm trước (ảnh: M.T)
 
Năm 2022 vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã bứt phá ngoạn mục, vượt qua sự kỳ vọng. Từ mức giảm sâu 5,36% của năm 2021 (chưa từng có trong lịch sử), đến nay Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước. Kết thúc năm 2022, TP Hồ Chí Minh thực hiện được 14/19 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó kinh tế tăng trưởng đạt 9,03% (trong khi kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%). Con số ấn tượng trên đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm cao, sự chung sức đồng lòng của chính quyền và người dân Thành phố, thể hiện sức sống mạnh mẽ của Thành phố.

Ở từng lĩnh vực cụ thể đều đã xây dựng những giải pháp phục hồi hiệu quả, do đó đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2022, trên địa bàn Thành phố có khoảng 43.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký mới ước đạt 500.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bổ sung ước đạt 550.000 tỷ đồng. Thành phố có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 30,6% so với năm 2021; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ. Xuất khẩu của Thành phố ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố năm 2022 ước tăng 17,3% so với năm trước. Trong đó, riêng 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 19,92% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại cho thấy xu hướng phục hồi ngày càng trở nên rõ nét hơn của nền kinh tế. Sự phục hồi mạnh mẽ nhất phải kể đến là ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống với mức tăng trưởng có thể đạt trên 30%.

 Một góc TP Hồ Chí Minh năng động, phát triển

Trong các lĩnh vực xã hội, năm 2022, Thành phố giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm, tăng 3,3% so với năm 2021; số chỗ việc làm mới được tạo ra đạt 141.312 chỗ, đạt 100,9% kế hoạch năm, tăng 0,23% so với năm 2021. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện nâng lên.

Công tác đối ngoại được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Thành phố đã tạo chuyển biến tích cực, nhất là công tác xây dựng Đảng; mỗi cán bộ đảng viên làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, gắn với tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

Thành phố từng bước điều chỉnh, sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Kết luận tại kỳ họp cuối năm 2022 của Thành ủy vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh sau một năm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đầy khó khăn, Thành phố đã lấy lại được những gì đã mất sau đại dịch, tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội tăng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến niềm tin của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Dù còn gặp khó khăn do những tác động của dịch bệnh COVID-19 song trong năm 2022 cũng ghi nhận những nỗ lực đột phá của Thành phố trong việc tạo chuyển biến tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, nhất là dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương), đường Vành đai 3 (dự kiến khởi công trong tháng 6/2023), cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng thời gian tới.

Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch. Việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư Thành phố, điển hình như đưa vào hoạt động cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và thành phố Thủ Đức; dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn); dự án đường song hành Võ Văn Kiệt (quận 1)…

Cùng với các giải pháp vĩ mô phát triển kinh tế Thành phố, điểm đáng chú ý trong năm qua là Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế. Cụ thể, Thành phố đã cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư… Thành phố cũng triển khai nhiều chương trình số hoá, xúc tiến xây dựng đề án phát triển ngành logistics, triển khai trung tâm logistics, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kích thích tiêu dùng nội địa; đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng chuỗi cung ứng để triển khai chương trình bình ổn thị trường…

TP Hồ Chí Minh sẽ bứt phá mạnh mẽ nhờ cơ chế, chính sách đột phá vượt trội

 Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng bộ, chính quyền Thành phố xác định chủ động, thích ứng hơn nữa, phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại; tập trung tháo gỡ vướng mắc, chia sẻ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Trong đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Thành phố vừa nhận thêm động lực mới, tháo gỡ nhiều nút thắt quan trọng đó chính là Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết này tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan toả, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Cùng với đó là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố đoàn kết, gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; phát huy dân chủ, đồng thuận xã hội, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố.

Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Từ kết quả đạt được trong năm 2022, trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%; đồng thời xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”. 

Tầm nhìn đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Với những thuận lợi về cơ chế chính sách, với đà phục hồi đang mạnh mẽ đặc biệt là với khí thế quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp cùng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của chính quyền Thành phố, chúng ta đang rất kỳ vọng trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng tốc ngoạn mục, bứt phá xứng tầm. Thành phố sẽ luôn là động lực, đầu tàu dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực