Sức vươn vùng đất “ngã ba biên”

Thứ tư, 25/01/2023 18:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, được biết đến là vùng đất ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, huyện đầu nguồn, nơi con sông Ðà chảy vào nước ta. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trong huyện, Mường Nhé đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình phấn đấu trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế-xã hội ở nơi cực Tây Tổ quốc…

Huyện Mường Nhé đã được đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại hơn. (Ảnh: Mai Phương)

Được thành lập đầu năm 2002 trên cơ sở tách ra từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ), Mường Nhé là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi, ít tiềm năng thế mạnh, đời sống bà con dân tộc thiểu số chưa phát triển. Là huyện biên giới cực Tây của đất nước, toàn huyện có 11 xã, thị trấn; dân số trên địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều dân tộc còn giữ những thói quen lạc hậu nên tỷ lệ đói nghèo cao… Xuất phát từ những đặc điểm này, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé đã chủ động lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé (gọi tắt là đề án 79)… Qua đó, đã có những tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân có nhiều khởi sắc. Theo đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, những địa bàn khó khăn, người nghèo có điều kiện sản xuất, nên đến nay, nhìn chung đời sống của người dân trên địa bàn toàn huyện đã từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ hơn 80% (năm 2002) xuống còn khoảng 58% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đến đầu năm 2023, Mường Nhé đã có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí đạt 9,8 tiêu chí/xã… Có 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Đời sống văn hóa, xã hội của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế được nâng lên.

Trung tâm huyện Mường Nhé hôm nay (Ảnh: Hồng Phúc)

Với phương châm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, khai thác tốt các tiềm năng của địa phương, huyện Mường Nhé đã tập trung đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đồi rừng. Hiện nay, cơ quan chức năng và người dân trong huyện đã phối hợp cùng doanh nghiệp thực hiện trồng 452,22ha cây mắc ca, một loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo mở rộng trồng cây dược liệu như: Sa nhân, ước đạt khoảng 127,4ha; thảo quả 16,3ha; sả java 159,3ha, 70ha giổi lấy hạt, 100ha quế... Đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ thơm, gạo tẻ đỏ Hà Nhì, thịt trâu, bò, cá gác bếp, cam tươi Mường Nhé… Đặc biệt, xác định lợi thế về chăn nuôi gia súc, huyện đã vận động người dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá, nuôi nhốt tập trung. Hiện toàn huyện đã phát triển đàn trâu, bò đạt 17.108 con. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 của ngành chăn nuôi ước đạt gần 90 tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Anh Lò Văn Pánh ở bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, cho biết: “Trước đây, do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Những năm gần đây, nhờ được Nhà nước đầu tư về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, người dân bản Phiêng Vai chúng tôi triển khai mô hình trồng cây cam, mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò giúp nhiều hộ gia đình có đời sống ổn định. Nhiều gia đình trong bản đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò… Bà con ai cũng yên tâm lao động sản xuất, không nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu”.

Bên cạnh đó, để khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền, huyện Mường Nhé cũng đã xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng, homestay. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc cũng được bảo tồn, phát huy như: Ngày hội đoàn kết các dân tộc huyện Mường Nhé, Lễ Cúng bản, Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, Tết Hoa Mào gà của dân tộc Cống, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La, chợ phiên lối mở A Pa Chải… giúp thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm quan, góp phần phát triển đời sống người dân.

Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi “ngã ba biên” Mường Nhé đang từng bước được nâng cao. (Ảnh: Hồng Phúc)

Sau hơn 20 năm kể từ ngày được thành lập, tuy còn những khó khăn nhất định nhưng đến nay, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã và đang khẳng định rõ sức vươn mạnh mẽ của vùng đất “ngã ba biên”. Thời gian tới, huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khai thác phát huy tiềm năng nội tại, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phát triển; quan tâm, chăm lo đến công tác cán bộ, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện các lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội của địa phương do Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành như: Nghị quyết số 03-NQ/HU “Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 04-NQ/HU, “Về việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/HU “Về việc chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…

Đồng thời, quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách người có công và bảo trợ xã hội; tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là lao động nông thôn, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích, hỗ trợ người dân thành lập ra các hợp tác xã và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa…

Một mùa xuân mới đang về trên mảnh đất “ngã ba biên”, xuân Quý Mão 2023. Phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trong huyện, trên cơ sở sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sẽ là “chìa khóa” để huyện Mường Nhé tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, phấn đấu đưa Mường Nhé trở thành “điểm sáng” về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng, an ninh ở cực Tây Tổ quốc./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực