Người bác sĩ quân y tận tâm

Thứ tư, 17/04/2024 11:23
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Công tác tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 từ năm 2008 đến nay, Đại tá, Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCK II) Vũ Đình Ân luôn nhận được sự kính trọng của đồng đội, đồng nghiệp, sự tin yêu của người bệnh.

Tham gia, xử lý thành công nhiều trường hợp khó, nguy hiểm, chưa có tiền lệ

Là một bác sĩ tận tâm, Đại tá Vũ Đình Ân luôn xông pha, tiếp lửa cả về chuyên môn, y đức cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ. 

Hồi sức tích cực với đặc điểm bệnh nhân nặng, nguy kịch và đa dạng mặt bệnh, yêu cầu chẩn đoán và xử trí phải hết sức nhanh, chính xác để mang lại sự sống có chất lượng cho người bệnh, vì thế, đội ngũ y, bác sĩ trong Khoa lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng “chiến đấu”. Có chứng kiến được không khí làm việc của Khoa mới cảm nhận hết được áp lực, cường độ làm việc cao của đội ngũ thầy thuốc ở đây. Họ có nhiều lúc quên ăn, quên ngủ để chiến đấu từng giây, từng phút giành lại sự sống cho người bệnh.

Công tác tại Khoa từ năm 2008 đến nay, trải qua nhiều cương vị, Đại tá Vũ Đình Ân, Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Khoa đã cùng tập thể y, bác sĩ trong Khoa xây dựng phương châm làm việc “nhanh chóng, khẩn trương, chính xác, an toàn”, làm nên thành công cho rất nhiều ca bệnh nặng, được Ban Giám đốc Bệnh viện đánh giá cao. Là một bác sĩ tận tâm, anh luôn xông pha, tiếp lửa cả về chuyên môn, y đức cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ. Không chỉ riêng Khoa Hồi sức tích cực, mà đối với các đơn vị trong Bệnh viện, bác sĩ Vũ Đình Ân cũng luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình. Giỏi chuyên môn, sáng y đức, người bác sĩ quân y ấy chưa bao giờ từ chối trước khó khăn khi được giao nhiệm vụ, vì thế luôn được mọi người trong Bệnh viện ví von trìu mến rằng “Việc gì khó có bác Ân”.

Nói về công tác chuyên môn, Đại tá, BSCK II Vũ Đình Ân chia sẻ, người thầy thuốc nào cũng mang trong mình tâm huyết cao nhất là cứu chữa, mang lại cuộc sống, sức khỏe tốt nhất cho nhân dân. Công tác ở Khoa đặc thù như hồi sức tích cực, các y, bác sĩ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao nhất để giúp người bệnh có cơ hội được sống. Đây cũng là điều mà Khoa luôn quán triệt sâu sắc tới đội ngũ y, bác sĩ của mình.  

 Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 là lực lượng nòng cốt của bệnh viện trong tổ chức cấp cứu, điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

“Bệnh nhân đã chuyển vào Khoa hồi sức tích cực, giữa sự sống và cái chết rất mong manh, có những ca bệnh người nhà cũng đã xác định luôn là khó qua khỏi. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi là phải cố gắng hết mình, bằng mọi cách cứu được người bệnh. Không ít trường hợp tưởng vô phương cứu chữa, từ chỗ hôn mê không biết gì, bệnh nhân tỉnh dần, rút được ống thở, nhận biết được và dần dần có thể trò chuyện với người thân… rồi ra viện khỏe mạnh bình thường. Hình ảnh đó với những bác sĩ hồi sức tích cực như chúng tôi sung sướng lắm. Nó là liều thuốc tinh thần vô giá xóa tan hết mọi căng thẳng, mệt mỏi trước đó. Đây là năm thứ 16 tôi công tác tại Bệnh viện và bản thân may mắn được tham gia, xử lý thành công nhiều trường hợp khó, nguy hiểm, chưa có tiền lệ. Điều đó đã góp phần nâng cao uy tín của Khoa Hồi sức tích cực nói riêng, Bệnh viện Quân y 175 nói chung”, bác sĩ Ân chia sẻ.

Hết lòng vì người bệnh

Chia sẻ kỷ niệm trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề y, bác sĩ Ân cho biết đã gặp nhiều trường hợp ấn tượng lắm. Đó có thể xem là kỳ tích của bệnh nhân khi giành được sự sống từ tử thần nhưng cũng là bài học cho người bác sĩ khi đưa ra một quyết định đúng đắn, chính xác đôi khi chỉ trong một khoảnh khắc nhưng thay đổi cả số phận một con người. Ấn tượng nào cũng khó phai nhưng có lẽ nhiều cảm xúc nhất đối với bác sĩ Ân lại chính là những bệnh nhân phải ở lại Khoa đặc biệt ấy vào dịp Tết.

Bác sĩ Ân nhớ lại năm đó, Khoa có điều trị cho một cháu bé khoảng 8 tuổi bị suy gan cấp. Bệnh nhân nhi này đã được gia đình đưa ra nước ngoài điều trị một thời gian nhưng đành chấp nhận đưa về nước vì bệnh tiến triển không như mong muốn. Khi đưa vào Khoa điều trị, ngày nào cháu bé cũng hỏi các cô, chú đã sắp tới Tết chưa và thích được đón Tết. Bệnh thì ngày một nặng thêm, nhưng vì đã hứa sẽ tổ chức Tết cho cháu nên tất cả bác sĩ đều phải cùng với bệnh nhân nhi ấy chiến đấu từng phút, từng giờ. Cuối cùng cháu bé cũng được đón Giao thừa cùng với các cô chú tại viện. “Cháu bé đã rất vui trong phút Giao thừa ấy. Đó cũng là một giao thừa đáng nhớ đối với chúng tôi. Nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi không thể cho cháu đón thêm một Giao thừa nào nữa. Ngay trong đêm đó, cháu bé phải đặt nội khí quản cho thở máy, sử dụng thuốc vận mạch và vài ngày sau thì mất”, bác sĩ Ân xúc động kể lại.

 Bác sĩ Vũ Đình Ân (bên trái) cùng lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 thăm hỏi bệnh nhân trước khi xuất viện.
 

Từng ấy năm công tác ở Bệnh viện Quân y 175, chưa một cái Tết nào bác sĩ Ân được ăn Tết cùng gia đình, bởi còn những bệnh nhân đang ở lại, họ đang đặt biết bao hi vọng trong từng phút, từng giờ vào mỗi phác đồ điều trị của Khoa. Nhiều năm nay, bác sĩ Ân cùng y, bác sĩ trong Khoa đã tổ chức đón Tết cổ truyền cho bệnh nhân, người thân bệnh nhân phải ở lại viện, tổ chức nấu bánh chưng gửi tặng cho bệnh nhân. Theo bác sĩ Ân, đó có thể là một cái Tết rất đơn giản nhưng y, bác sĩ trong Khoa luôn mong có thể tạo một không khí Tết theo đúng phong tục của người Việt Nam để bệnh nhân cảm nhận được sự vui vẻ, ấm áp như đón Tết cùng với gia đình, người thân ruột thịt của mình.

Luôn được người bệnh tin yêu

Trong suốt quá trình công tác, bác sĩ Vũ Đình Ân luôn nhận được sự kính trọng của đồng đội, đồng nghiệp, sự tin yêu của người bệnh.

Được biết, khi thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Quân y 175 được thành lập. Bác sĩ Vũ Đình Ân được điều động làm Phó Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19. Từ khi đảm nhiệm công tác ở Trung tâm, anh chưa một ngày ngơi nghỉ, thường xuyên làm việc xuyên đêm cùng đồng đội, đồng nghiệp để giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng. Với bác sĩ Ân, những ngày dịch bệnh hoành hành là những hồi ức không thể nào quên trong cuộc đời. Chính những lúc “dầu sôi lửa bỏng” như vậy, với bản lĩnh, sự quyết đoán cùng trình độ chuyên môn cao, bác sĩ Ân đã tham mưu Đảng ủy Trung tâm ra nghị quyết lãnh đạo sát đúng, trực tiếp tham gia nhiều ca bệnh nguy kịch, tạo nên nhiều thành tích mới trong điều trị COVID-19 và y học. Trong đó, tạo tiếng vang trong giới chuyên môn đó là sáng kiến đột phá lần đầu triển khai khi “tách đôi” ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) để cùng lúc cứu chữa hai sản phụ Nguyễn Thị Thu Trinh (huyện Bình Chánh) và Ngô Thị Ngọc Hoài (quận 12). Thành công này cũng đã tạo tiền đề tốt cho các kỹ thuật cao hơn, mang lại cơ hội sống tốt hơn cho người bệnh trong y học.

 Bác sĩ Vũ Đình Ân bồng bé Chung Ân (con chị Thu Trinh) trong dịp hội ngộ vào tháng 2/2022.
 

Cảm phục tài năng và để tri ân những thầy thuốc quân đội đã cứu sống mình trong đại dịch COVID-19, hai gia đình nữ bệnh nhân Thu Trinh và Ngọc Hoài đã quyết định đặt tên con theo tên, họ của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 lần lượt là Huỳnh Diệp Chung Ân và Vương Diệp Chung Ân. Trong tên gọi của hai cháu thì các chữ Diệp – Chung – Ân được ghép từ họ và tên các bác sĩ gồm: Đại tá Vũ Đình Ân, Thiếu tá Diệp Hồng Kháng, Thượng úy Nguyễn Cảnh Chung. Với hai chị, đó là một cách bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ đã giúp bản thân còn cơ hội sống, hưởng niềm vui trọn vẹn với gia đình, được tiếp tục làm vợ, làm mẹ.

Được người bệnh tin yêu, bác sĩ Ân cho rằng đó là phần thưởng rất quý, là động lực để đội ngũ y, bác sĩ tiếp bước trên con đường cứu người, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. “Như có một sợi dây vô hình gắn kết, đến nay, chúng tôi với các gia đình thân nhau như người nhà. Chúng tôi cảm ơn hai chị, cũng như những người bệnh khác luôn có nghị lực sống mãnh liệt đã tiếp thêm sức mạnh để các y, bác sĩ dám nghĩ, dám làm”, Đại tá Vũ Đình Ân chia sẻ.

Những năm vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực đã luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được đánh giá là lực lượng nòng cốt có vai trò quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Bệnh viện.

Ngoài nhiệm vụ tổ chức cấp cứu, điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ trong và ngoài Bệnh viện chuyển đến, tham gia tổ chức cấp cứu tại chỗ cho các trường hợp bệnh nhân nặng trong Bệnh viện (code blouse, code red), Khoa còn hỗ trợ cấp cứu cho các cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt là vận chuyển cấp cứu đường bộ và cấp cứu đường không, bảo đảm y tế biển, đảo và tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan…

Riêng vận chuyển cấp cứu đường không, tính tới nay, Khoa đã tham gia tổ chức cấp cứu vận chuyển hàng trăm lần các bệnh nhân từ vùng biển phía Nam của Tổ quốc về đất liền điều trị, góp phần tạo lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám biển, đảo, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Thành công ấy của Khoa có vai trò to lớn của người thuyền trưởng - Đại tá Vũ Đình Ân. Anh đã góp phần kết nối, tạo ra một tập thể đoàn kết, đồng lòng./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực