Người dân không nên hoang mang, mà cần tăng cường cảnh giác với COVID-19

Thứ ba, 28/07/2020 18:03
(ĐCSVN)- 15 ca mắc COVID-19 liên tiếp được công bố, trong đó có cả nhân viên y tế, điều này khiến không ít người lo lắng. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Trong bối cảnh hiện tại, người dân cả nước không nên hoang mang, lo lắng mà tăng cường cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số ca mắc và tử vong.

"Vì thế, ngay từ đầu chúng tôi đã dự báo Việt Nam có thể sẽ có ca bệnh trong cộng đồng. Chúng tôi không bất ngờ với điều này."- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

 PGS.TS Trần Đắc Phu là một trong những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống các đại dịch (Ảnh: ĐT)

Đà Nẵng đã phong tỏa 3 bệnh viện: Đây là mức độ cao nhất

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tình hình dịch tại Đà Nẵng hiện nay khá phức tạp, chúng ta chưa xác định được nguồn lây và đây là các lây nhiễm trong cộng đồng. Điều quan trọng lúc này là cần điều tra kỹ các ca bệnh, lịch trình đi lại, tiếp xúc với những ai (lập danh sách, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan), có triệu chứng từ ngày nào…

“Bước đầu cho thấy 15 ca mắc này có liên quan đến 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Hiện tại có thể chắc chắn có sự lây nhiễm trong bệnh viện”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, số ca mắc có thể không chỉ dừng lại tại đây mà còn có thể phát hiện thêm bệnh nhân trong những ngày tới. Vì thế, ngành Y tế Đà Nẵng cần đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca bệnh từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch.

Đà Nẵng đã phong tỏa 3 bệnh viện, đây là mức độ cao nhất, thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập cũng như áp dụng triệt để mọi biện pháp. Chúng ta đang thực hiện các biện pháp kiểm soát giống như với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đó.

Nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 tại các địa phương như nhau

Khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, chúng tôi đã xác định các cơ sở y tế là một trong những điểm nguy cơ cao, “cửa ngõ” phát hiện sớm ca bệnh. Thực tế tại Đà Nẵng là một minh chứng. 3 bệnh viện ở Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp cao nhất. Đây là bài học cho các địa phương.

Các bệnh viện khác trong cả nước cũng không được chủ quan, lơ là, phải tiếp tục tăng cường chống dịch, thực hiện nghiêm vấn đề sàng lọc, phân luồng, quản lý các ca bệnh, ca nghi ngờ, không để lọt ca bệnh... Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn biện pháp chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Thời điểm hiện nay, các cơ sở càng cần thực hiện nghiêm hướng dẫn này.

“Ngoài ra, theo tôi chúng ta không nên chỉ tập trung vào Đà Nẵng. Các tỉnh, thành khác cũng có khách du lịch, người nhập cảnh trái phép và yếu tố nguy cơ tương tự Đà Nẵng. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở các nơi là như nhau”- Chuyên gia Trần Đắc Phu lưu ý

Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm những người có dấu hiệu sốt, ho, viêm phổi. Phát hiện ca bệnh ở đâu thì khoanh vùng, dập dịch xử lý ở vùng đó. Điều này hết sức quan trọng để bệnh không lây lan.

 Sau Đà Nẵng, nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 tại các địa phương như nhau (Ảnh: TL)

Những người vừa trở về từ Đà Nẵng cần lưu ý điều gì?

Đối với người dân đang sống ở Đà Nẵng, cần thực hiện theo đúng chỉ đạo của thành phố về thực hiện giãn cách xã hội, không tiếp xúc đông người khi không cần thiết, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…

“Trong bối cảnh hiện tại, người dân cả nước không nên hoang mang, lo lắng mà tăng cường cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế phù hợp với địa phương mình. Tất cả phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, khai báo y tế, rửa tay khử khuẩn, thực hiện giãn cách xã hội”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, có ca mắc COVID-19, kể cả một ca cũng được coi là ổ dịch, các bệnh viện ở Đà Nẵng có ca mắc chính là ổ dịch. Vì thế, những người trở về từ Đà Nẵng, từ ổ dịch (liên quan đến bệnh viện) thì cần phải khai báo y tế, tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Những trường hợp khác (khách du lịch, không vào ổ dịch) thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu gì bất thường như sốt, ho, khó thở… thì cần báo cáo cơ quan y tế địa phương.

Năng lực phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã tăng lên nhiều

Liên quan đến lo lắng về các ca lây nhiễm COVID-19 lần thứ 2 trong cộng đồng có thể sẽ mạnh hơn đợt trước, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, điều này còn phải phụ thuộc vào những ngày tới xem kết quả điều tra dịch tễ lây lan trong cộng đồng ở mức độ nào. Không phải dễ dàng mà đánh giá được. Tuy nhiên trong lúc này, cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch, nếu không thì nguy cơ bùng phát là có khả năng như không tập trung đông người khi cần thiết, rửa tay, đeo khẩu trang... Đây là những khuyến cáo từ trước trong điều kiện bình thường mới, nhưng nhưng không chịu thực hiện, kể cả chính quyền, người quản lý và người dân như vào khu chung cư, siêu thị, bệnh viện, phương tiện công cộng... Lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì chúng ta làm rất căng nhưng có lúc lại trùng quá.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, điều khó khăn trong công tác chống dịch lần này là du lịch, hàng quán mở ra rất mạnh. Trong khi người dân lạc quan quá dẫn đến chủ quan, chỉ cần một người nhiễm bệnh là khó truy vết. Nhưng ngược lại, thuận lợi cho Việt Nam là năng lực phòng bệnh của chúng ta đã hơn rất nhiều, ví dụ như xét nghiệm trên diện rộng được, mẫu bệnh phẩm đồ Việt Nam sản xuất, các quy trình chuyên nghiệp hơn, khâu khoanh vùng, dập dịch, điều trị tốt. Bộ Y tế đã thành lập các các tổ công tác đặc biệt với các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm vào Đà Nẵng hỗ trợ.

"Ngay cả việc đưa hiện 120 người lao động mắc COVID-19 từ Guine Xích đạo trở về nước dịp này cũng không phải là trở ngại vì năng lực của Việt Nam hiện nay vẫn còn đáp ứng được về các phương tiện trang thiết bị cũng như nhân lực y tế. Những trường hợp nhẹ thì điều trị ở tuyến dưới, trường hợp nặng điều trị ở tuyến trên và Việt Nam thì cũng không có nhiều ca nặng mà chủ yếu là ca nhẹ", PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực