Huyện Yên Bình là một “điểm sáng” trong triển khai các chính sách, chương trình dự án gắn với công tác xóa đói giảm nghèo. Điển hình như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Toàn huyện có 177 thôn, tổ dân phố, trong đó 9 xã vùng III và 30 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với 5 dân tộc chính sinh sống gồm: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Nùng. Để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước đối với các xã, thôn vùng ĐBKK, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, triển khai các chương trình hỗ trợ vùng ĐBKK như: vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Qua đó, vừa thay đổi tập quán sản xuất, vừa góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đạt trên 294 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 183 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 65 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 26 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ gần 10 tỷ đồng và nguồn huy động khác trên 22 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể từ 27,94% năm 2016 xuống còn 3,24% năm 2020, trung bình mỗi năm giảm được 4,94% hộ nghèo. Một số xã điển hình về giảm tỷ lệ hộ nghèo như: Xuân Long, Ngọc Chấn, Phúc Ninh, Tích Cốc…
|
Hỗ trợ dê giống cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thái Hưng). |
Được biết, không chỉ ở Yên Bình mà tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái, công tác xóa đói giảm nghèo đã luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đề ra các nội dung trọng tâm cần thực hiện. Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo; Nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, ngưòi nghèo... Tỉnh cũng chú trọng tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giảm nghèo. Hiện nay, Tỉnh ủy Yên Bái đang thực hiện phân công 51 ban, sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể có liên quan trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 1.072 hộ nghèo tại 59 xã đặc biệt khó khăn và 05 xã có thôn đặc biệt khó khăn thoát nghèo trong năm 2021.
Theo đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã ĐBKK giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản.
|
Mô hình phát triển kinh tế của nông dân huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thu Trang). |
Với quyết tâm đẩy mạnh xóa đối giảm nghèo, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, năm 2021, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu cụ thể sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 so với năm 2020 là 2,05% (giảm 4.382 hộ, trong đó vận động có ít nhất 305 hộ tự nguyện thoát nghèo); phấn đấu không còn hộ nghèo có người là đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng.
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo; chú trọng phát huy tinh thần tự giác, tích cực vươn lên của hộ nghèo, ngưòi nghèo; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những nguồn vốn ưu đãi; tăng cường kết nối, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp... Trên cơ sở đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sông, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Thực tế cho thấy, giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo và các đội tượng chính sách xã hội là một chủ trương lớn, xuyên suốt, là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Yên Bái trong thời gian qua không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào vai trò lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng./.