Yên Bái: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch

Thứ hai, 12/08/2019 15:20
(ĐCSVN) - Với mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch của địa phương...

 

 
"Đồi mâm xôi" - địa danh du lịch nổi tiếng của Mù Cang Chải. (Ảnh: Kim Cương)

 

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác... Triển khai và thực hiện quan điểm nói trên, tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, tạo tiền đề đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế  xã hội của tỉnh. Theo đó, những năm qua, Yên Bái đã tập trung đầu tư khai thác những tiềm năng du lịch, nhất là những tiềm năng của miền Tây để phát huy vai trò trung tâm du lịch vùng của miền Tây Yên Bái. Tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển 4 điểm du lịch trọng điểm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch Trấn Yên, Văn Yên và vùng du lịch phía Tây của tỉnh.

Đồng thời, Yên Bái cũng xác định phát triển du lịch theo 4 vùng, chú trọng phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của từng vùng, hiện nay, trên 4 vùng du lịch đã định hướng phát triển du lịch khá rõ nét. Tại thành phố Yên Bái, tập trung phát triển các nhà hàng, khách sạn, tổ hợp thương mại - du lịch; các khu, điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử, tâm linh. Vùng hồ Thác Bà và sông Chảy tập trung khai thác phát triển du lịch hồ Thác Bà, khu du lịch cộng đồng vùng Đông hồ, khu du lịch Lavie Vũ Linh, khu du lịch dịch vụ Đại An (Khai Trung - Lục Yên). Đặc biệt, một số điểm du lịch miền Tây của tỉnh như du lịch sinh thái - cộng đồng huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của Yên Bái nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, loại hình du lịch cũng được tỉnh Yên Bái chú trọng thực hiện có hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 2 năm qua, tỉnh đã cấp trên 7 tỷ đồng tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội du lịch lớn cũng như tham gia nhiều hoạt động du lịch trong nước, như: sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” năm 2019 tại Hà Nội; Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với Festival dù lượn được tổ chức thường niên; Lễ hội Đền Đông Cuông gắn với Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn; Lễ hội Quế Văn Yên; Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà; Lễ hội Đền Đại Cại… Từ năm 2016 đến năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch của tỉnh là 202,185 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 126,173 tỷ đồng. Yên Bái cũng mạnh dạn tổ chức các hội chợ quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: bưởi - Đại Minh, quế - Văn Yên, cam - Văn Chấn..., tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy liên kết mở rộng thị trường, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

 

 
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái.

 

Theo đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái, với tinh thần chủ động bắt nhịp với nhu cầu của du khách, Yên Bái đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các địa phương phát triển mô hình làng du lịch cộng đồng, theo đó, hiện ở Văn Yên có làng du lịch cộng đồng của người Tày Khao thôn Cầu Có, xã Đông Cuông; người Mông thôn Khe Tát (xã Nà Hẩu); làng Ngõa người Tày xã Phong Dụ Thượng; ở Văn Chấn có bản Pang Cáng của người Mông - Suối Giàng, người Thái - Tú Lệ hay như làng du lịch cộng đồng của người Thái xã Hát Lừu (Trạm Tấu); xã Khai Trung, Tân Lĩnh, Lâm Thượng huyện Lục Yên được biết đến với làng du lịch cộng đồng của người Tày, Dao, Cao Lan... Từ định hướng đúng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương, doanh thu du lịch dịch vụ có bước tăng trưởng mạnh, nhất là trong 2 năm gần đây, số lượng khách thăm quan, du lịch có chiều hướng tăng rõ rệt. Năm 2018, lượng khách du lịch đến với Yên Bái đạt con số 560 nghìn lượt (trong đó khách quốc tế đạt trên 25.700 lượt), tổng doanh thu trên 333 tỷ đồng. Năm 2019, Yên Bái phấn đấu đón và phục vụ 700 nghìn lượt du khách; mục tiêu doanh thu đạt 420 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, chú trọng khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đang là hướng đi hiệu quả của tỉnh Yên Bái trên hành trình đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế  xã hội của tỉnh. Khai thác tiềm năng du lịch có lộ trình, có kế hoạch không chỉ là cơ sở để Yên Bái phát triển du lịch bền vững mà còn giúp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội./.

Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực