Thương lái thu mua cam tại thị trấn Nông trường Trấn Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: PQ)
Với đặc điểm của một tỉnh miền núi nghèo và nhiều khó khăn như Yên Bái, việc tái cơ cấu nông nghiệp luôn là “bài toán khó” đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Những diễn biến thất thường của thiên tai, sự cực đoan của thời tiết cũng là những trở ngại lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp ở Yên Bái. Song, trên cơ sở sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của đông bào các dân tộc trong tỉnh, đến nay Yên Bái đã và đang thu được những thành quả quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, ở Yên Bái đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa khối lượng lớn như: Lúa chất lượng cao, chè, quế, măng tre, sơn tra… và nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng liên kết, gắn nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ. Đó là minh chứng cho nền nông nghiệp đang trên đà khởi sắc. nền nông nghiệp Yên Bái đã có tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,2%; giá trị sản xuất đạt gần 7.000 tỷ đồng, đứng thứ 7/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh đạt gần 50 triệu USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,29% so với năm 2017. Tổng diện tích gieo trồng lúa 2 vụ đạt 42.000ha. Đặc biệt, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 2.500ha, vùng ngô hàng hóa 15.000ha, vùng chè 11.000ha, vùng tre măng Bát độ trên 2.600ha, vùng quế 56.000ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000ha...
Những con số trên có thể coi là những tín hiệu vui, những gam màu sáng chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh ngành nông nghiệp Yên Bái. Theo đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, 4 năm kể từ khi triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã nhiều lần đánh giá và điều chỉnh lại Đề án để việc triển khai đạt hiệu quả hơn. Theo đó, tỉnh đã xây dựng hệ thống quy hoạch gắn với lợi thế từng vùng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 39 đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, 31 đề án hỗ trợ phát triển nông thôn. Và cách làm của Yên Bái là phát triển nông nghiệp theo hướng bảo đảm lương thực, xóa đói giảm nghèo ở vùng cao; phát triển hàng hóa quy mô lớn ở vùng thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước kia, chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình thì nay, chính sách có phạm vị rộng hơn là nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước; được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; được hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, điện nước… Vì vậy đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư phát triển nông nghiệp Yên Bái như: Các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay các tập đoàn kinh tế lớn trong nước Vingroup, TH True-milk, Hòa Phát với các dự án trồng rau an toàn, trồng cỏ nuôi bò sữa, nuôi lợn công nghệ cao...
Bên cạnh đó, Yên Bái cũng đã tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập một cách bền vững cho người dân nông thôn. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới; trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ; trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, bản văn hóa...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân. Không chỉ ở nông thôn mà cả ở khu vực thành thị, người dân đã hiểu rõ và nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tại nhiều địa phương, người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt... Các địa phương đã quan tâm hơn đến các nội dung trọng tâm của Chương trình, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đi vào chiều sâu, tập trung khắc phục những hạn chế cơ bản. Chú trọng bảo vệ môi trường, khuyến cáo hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt. Đẩy mạnh việc thu gom và xử lý chất thải ở khu vực nông thôn là chất thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp như vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải trong chăn nuôi…, tạo dựng cảnh quan môi trường.
Được biết, tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu đến hết năm 2020, tốc độ tăng trưởng sản phẩm ngành nông nghiệp đạt 4,6%/năm; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chiếm 67%, lâm nghiệp 28%, thủy sản 5%. Góp phần tăng GDP bình quân đầu người của Yên Bái khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 2%. Đồng thời, đẩy mạnh tập trung sản xuất theo các vùng chuyên canh tập trung như lúa chất lượng cao, cam, bưởi, quế, chè…
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu nói trên, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn tăng thu nhập cho người dân, thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh; triển khai thực hiện hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, kinh tế trang trại. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất...
Có thể thấy, việc triển khai các đề án, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển từng bước theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, tạo diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc. Người dân đã có sự đổi mới tư duy, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo trong tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày một phát triển, mạnh giàu./.