Theo đó, trên cơ sở triệt để tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương về đất đồi rừng và khí hậu, cùng sự thay đổi trong nhận thức, tập quán chăn thả và chủ động học hỏi, nắm bắt kinh nghiệm chăn nuôi, nhiều hộ gia đình ở tỉnh Yên Bái nhanh chóng thoát nghèo, từng bước làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung.
Đây là mô hình chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, chăn thả gia súc tự do sang chăn nuôi tập trung có quy mô tối thiểu từ 10 - 15 con gia súc trở lên, tận dụng nguồn cỏ xanh tự nhiên kết hợp nguồn cỏ trồng, cùng hệ thống chuồng trại tiêu chuẩn, gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh.
|
Tiêm phòng định kỳ cho đàn bò tại xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Phúc). |
Để hỗ trợ hoạt động chăn nuôi đại gia súc tập trung của người dân, tháng 2/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 69 về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Tính đến nay tổng nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 đã giải ngân đạt gần 40 tỷ đồng; trong đó, riêng hỗ trợ chăn nuôi gia súc chính theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đạt gần 25 tỷ đồng. Tuy số tiền hỗ trợ trên toàn tỉnh chưa lớn, nhưng làm “đòn bẩy” chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc cho người dân trên địa bàn.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, nhờ phát triển nhanh chóng mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, toàn tỉnh hiện có gần 1.100 cơ sở chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gia súc chính là 705.000 con; trong đó, đàn trâu đạt gần 100.000 con, đàn bò 37.000 con. Dự kiến cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm 2022 đạt gần 50.000 tấn, tăng 7,5% so với năm 2021.
Thực tế cho thấy, hoạt động chăn nuôi đại gia súc tập trung ở tỉnh Yên Bái thời gian qua cho thấy, chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, tạo động lực giúp người dân thay đổi nhận thức, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chất lượng đàn trâu, bò được nâng cao. Nhờ vậy, tổng số đàn gia súc chính của toàn tỉnh đã tăng nhanh, tạo ra sự bứt phá mới để chăn nuôi gia súc phát triển.
Theo đồng chí Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, phát triển chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa, nhất là chăn nuôi đại gia súc đang là hướng thoát nghèo bền vững, nhanh chóng làm giàu cho rất nhiều hộ nông dân của tỉnh Yên Bái. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp người dân khai thác được tiềm năng, thế mạnh vật nuôi ở địa phương, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung đang được tỉnh Yên Bái khuyến khích, hỗ trợ đã mang lại cho người chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa rộng khắp với quy mô ngày càng lớn. Từ đó, mở ra cơ hội bứt phá mới góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa./.