Đằng sau sự an toàn của những chuyến tàu

Thứ hai, 11/01/2010 09:31

So với các loại hình vận tải khác, đường sắt hiện là loại hình vận tải an toàn, ít xảy ra tai nạn nhất. Song, đằng sau những cuộc hành trình an toàn đó là sự vất vả, cống hiến và hi sinh thầm lặng của biết bao con người.

* Gác barie...
Chị Hoàng Thụy Khuê, quê mãi tỉnh Yên Bái, làm nghề coi barie được 25 năm nay. Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 2m2 tại trạm gác barie Cầu Bây (Hà Nội), chị cố sắp xếp ngăn nắp và khoa học lắm cũng chỉ đủ kê một chiếc bàn, một chiếc ghế và một cái đài khống chế…

Chị kể cho tôi nghe về công việc của mình: “Mỗi ngày ngồi trực 12 giờ đồng hồ, công việc là kéo barie xuống trước khi tàu đến, hất barie lên khi tàu đã qua. Lịch tàu chạy kẹp sẵn trên tường, lại có điện thoại báo trước khi tàu qua 10 phút. Công việc tưởng chừng đơn giản vậy thôi, nhưng chẳng hề dễ dàng một chút nào. Ngày có người qua lại còn đỡ buồn, chứ đêm đến thì… dài lắm. Nhiều lúc vô tình chợp mắt lại giật mình, rồi đi rửa mặt cho tỉnh ngủ. Lắm khi, chỉ mong có tàu chạy qua cho đỡ buồn tẻ!”.

Chị Khuê cho hay, một trạm barie nhỏ như trạm gác Cầu Bây chị đang coi, mỗi tuần 5 ngày có hai người gác trực liên tục 24/24 giờ, chia ca thay nhau trực. Ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật có người khác đến trông. 9 tuần những người gác barie lại đổi trạm một lần. Công việc luôn dịch chuyển, nay đây mai đó, vì phải đổi trạm gác.

Ngày thường đằng đẵng là thế, những ngày mệt mỏi kỳ thực cay cực vô cùng. Cả đêm chong đèn đợi những chuyến tàu trong căn phòng chật hẹp. Đầu đau như búa bổ vẫn phải đứng gác, phải âm thanh chịu đựng tiếng rầm rập chát chúa từ những đoàn tàu chuyển động. “Khổ nhất là những đêm sương giá lạnh, mất điện. Cả con đường sắt mờ ảo trong sương, dài tưởng như bất tận. Tôi phải cầm đèn kiểm tra từng mét đường ray quanh barie xem có chướng ngại vật không. Rồi khi đoàn tàu tới, lại kéo barie xuống, rồi hất barie lên khi đoàn tàu đi qua. Con đường sắt lại vắng tanh!”- chị Khuê tâm sự.

Theo qui định, trên ga chính sẽ gọi điện báo trước khi tàu qua 10 phút. Người gác barie phải mau chóng kiểm tra chướng ngại vật hai bên đường tàu. Ấn chuông cảnh báo để người tham gia giao thông dừng xe. Rồi quay viền phòng vệ, buông barie.

Qua chị Khuê tôi được biết, lương tháng trung bình của mỗi người gác barie ngành đường sắt được khoảng 1,8 triệu đồng. “Có tháng cùng được 2 triệu đồng, nhưng là khi đồng nghiệp có việc bận, tôi phải gác thay vào những ngày nghỉ”- chị Khuê cho biết.

Cuộc chuyện trò đang sôi nổi thì bị ngắt giữa chừng, bởi tiếng chuông điện thoại khô khốc trên bàn báo hiệu tàu sắp tới. Chị Khuê nhấc máy lên nghe và nhanh chóng cúp máy. Chị bảo: “có tàu từ Hải Phòng lên!”. Lập tức, chị lại đội mũ, đeo khẩu trang, cầm cờ đi ra ngoài đường tàu. Tàu lao tới, mặt đất run bần bật, bụi mờ mịt. Cùng với đó là những âm thanh inh tai buốt óc đến sởn gai ốc.

* Người tuần đường sắt

Đêm đêm, tay xách đèn bão, tay cầm cà-lê, anh Nguyễn Văn Chung (quê tỉnh Hưng Yên)- nhân viên ngành đường sắt- lại lầm lũi đi bộ hàng chục cây số để tuần đường.

Gặp anh tại trạm gác barie Sài Đồng (quận Long Biên), anh cười và bảo: “Không ngồi nói chuyện được đâu, tôi phải đi luôn đây!”. Lấy làm lạ trước vẻ gấp gáp của anh, tôi thử đi cùng anh một quãng đường.
“Công việc của mình là đi trên đường sắt, xiết lại những cái bu-lông bị long, xử lý những chướng ngại vật và sự cố trên đường… Nói chung là làm tất cả để những đoàn tàu chạy qua đoạn đường mà mình quản lý được an toàn”- Anh Chung nói.

Có đi trên đường ray mới biết đây là công việc không hề đơn giản. Nhìn những bước chân siêu vẹo của tôi trên những phiến bê tông đỡ những thanh ray, anh Chung cười và động viên: “Lúc đầu mình cũng vậy. Nhưng đi mãi cũng quen thôi!”. Nói xong anh lại thoăn thoắt bước những sải chân dài trên đường ray.

Anh Chung cho biết, chặng đường của anh quản lý cả đi và về dài 16 km, từ ga Gia Lâm đến đến đoạn đường sắt ở gầm cầu vượt Thanh Trì qua Quốc lộ 5. Khi đến cuối đoạn đường thì đổi thẻ với tuần đường bạn đi ngược chiều rồi lại quay về. Đi qua mỗi trạm đều phải ký số. Làm việc theo ca, mỗi ca 8 tiếng. Ca trực tuần này của anh từ 21 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.

Dừng lại ít phút để xiết lại chiếc bu-lông bị lỏng, anh Chung nói tiếp: “Đường sắt được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên song đường vẫn yếu lắm. Hễ tàu qua lại có bu-lông long. Bởi vậy, nên ngày nào mình cũng đi đi, về về luôn mà vẫn không hết việc!”.

Qua câu chuyện tôi được biết, tuần đường là một nghề nguy hiểm, lúc nào cũng phải căng tai nghe tiếng tàu. Nhiều đêm sấm chớp đùng đùng chẳng thể nghe được gì, nhưng người tuần đường sắt vẫn phải đi. Đi được chục mét lại phải quay lại sau lưng sợ tàu lao tới.

Vứt một thanh gỗ nhỏ vô tình vắt ngang đường ray, anh Chung tiếp tục kể: “Cũng may đêm nay trời quang mây tạnh đấy! Những đêm mưa gió bão bùng, lủi thủi đi một mình trên đường ray, soi từng con vít, kể cũng tủi. Nhưng vào những ngày đó, trách nhiệm càng phải cao hơn. Vì mưa gió làm giảm tầm nhìn của lái tàu, nên phải kiểm tra đường ray rất cẩn thận. Gặp chướng ngại vật nhỏ, mình vứt ra. Lớn quá như cây đổ thì gọi cho ga chính. Nếu cảm thấy cấp bách thì đặt pháo dưới đường ray. Thấy đường ray rung, thì người lái sẽ cho dừng tàu!”.

Đến trạm gác Cầu Bây vừa lúc có đoàn tàu chạy qua, anh Chung cười: “Làm tuần đường vất vả thật, song nhìn những đoàn tàu vù vù chạy qua an toàn thế này, mình lại cảm thấy vui!”.

*Và những trăn trở…
Ngành đường sắt vừa giảm tuổi nghỉ hưu cho anh em cán bộ công nhân viên. Cụ thể là tuổi nghỉ hưu với nữ là 50 tuổi, nam là 55 tuổi. Là những người đã hơn hai chục năm gắn bó ngành như chị Khuê và anh Chung đều chuẩn bị được nghỉ ngơi. Song họ vẫn còn rất nhiều những trăn trở về ý thức người tham gia giao thông.

“Có những khi vừa đóng một bên barie, thì bên kia xe cộ ùn ùn lao lên. Lại vội nhấc barie lên một chút cho người dân qua nhanh rồi phải đóng ngay barie hai bên lại. Đấy là chưa kể những hôm đóng cả hai barie rồi, người qua đường lại hò hét, văng tục đòi mở ra cho họ qua, bất chấp đoàn tàu đang tới gần. Một số cậu thanh niên choai choai còn nhảy từ trên xe xuống, nhấc cả barie lên để đi qua. Tôi lại hốt hoảng giằng co kéo barie xuống”- Chị Khuê buồn rầu kể lại.

Con đường sắt cắt qua thôn Cầu Bây (phường Thạch Bàn- Long Biên), nơi mà chị Khuê gác barie, đã từng cướp đi sinh mệnh của bao người dân. Gần đây nhất là vụ một cô giáo bị tàu đâm chết. Một trạm barie được dựng lên. Kèm với đó là sự an toàn. Song, từ nhiều năm nay, người dân nơi đây vẫn chưa quen với việc phải dừng lại vài phút trước khi tàu qua, vì sự an toàn. Và tất cả sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông lại trút xuống đầu người gác barie.

Ngoài pháo, cà-lê, trong túi đồ nghề của anh Chung còn có còi và cờ hiệu. Đường ngang tự phát nhiều, mà người dân đi lại chả mấy khi quan sát khi qua đường. Tàu gần đến nơi mà cứ thản nhiên như không. Bao lần từ xa trông thấy nguy hiểm, anh Chung lại phải huýt còi liên hồi, rồi tay cầm đèn, cầm cờ khua loạn xạ, người đi đường mới giật mình lùi lại. Ý thức của người tha gia giao thông còn kém quá!
 

Tết Nguyên đán Canh Dần đang cận kề, người người lo vé tàu để về quê. Nhà nhà sắm mai, đào, quất… để chuẩn bị cho những cuộc đoàn tụ. Còn những người gác tàu như chị Khuê, anh Chung lại phải đón Tết xa gia đình. Họ vẫn âm thầm, tận tụy ngày đêm bám sát đường ray để đảm bảo an toàn cho những cuộc sum vầy ấm cúng của mọi người./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực