“Thuốc” nào trị bệnh còi hơi?

Thứ tư, 14/07/2010 11:12

Việc sử dụng còi không đúng quy định của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ không chỉ gây mất TTATGT mà làm ảnh hưởng đến những người cùng tham gia giao thông. Luật Giao thông Đường bộ cũng quy định xử phạt nghiêm với hành vi này. Nhưng vi phạm không hề giảm.

 Nhiều xe được trạng bị cả một dàn còi dạng khủng
Lắp còi để dọa người đi đường

Có lẽ nhiều người đã rơi vào trường hợp bị giật mình khi đang đi trên đường vì tiếng còi của các loại xe tải, xe ben, xe buýt...vang lên inh ỏi phía sau. Một xe không chỉ gắn một còi hơi mà nhiều lúc được gắn cả một dàn “khủng”. Có xe gắn 4 hoặc 5 còi hơi, mỗi lúc vang lên người đi đường ai nấy đến hoảng hốt.

Từ ngày 17/06 đến ngày 10/07, CSGT TP.HCM đã xử lý gần 40 vụ xe tải, xe ben, xe buýt... sử dụng còi không đúng quy định. Tại giao lộ D1- Ung Văn Khiêm - Bình Thạnh, CSGT đã kiểm tra xe tải biển số 57H-6687 đã phát hiện hai chiếc còi hơi giấu dưới gầm xe. Chỉ trong một buổi sáng ngày 17/06, CSGT Công an TP.HCM đã kiểm tra 10 xe tải thì có đến 9 xe có gắn còi hơi.

Mục đích mà các tài xế trang bị hệ thống còi “khủng” là để dọa người đi đường. “Giao thông ùn tắc, kẹt cứng như thế không có còi lớn thì không chen nổi với người ta” - một tài xế tên Châu nói.

Tuy nhiên, nhiều tài xế cũng coi việc gắn còi hơi như một cách chơi “không đụng hàng”. Cụ thể như chiếc xe 60M-1988 của DNTN Tân Tân Thành khi bị chặn gần cầu Sài Gòn vào trưa 17/6 gắn đến 4 chiếc còi hơi loại lớn, khi bấm thử thì phát ra tiếng kêu nhức óc.

Còi hơn được cánh tài xế hoặc chủ xe lắp đặt khá kín đáo. Thường là dưới cabin, gầm xe, nhưng cũng không ít trường hợp còi hơi được gắn ngay phía trước hoặc dưới gầm bên phải của xe.

Tầm của còi hơi thường gắn ngang tầm với chiều cao của người đi xe gắn máy, nên khi tài xế nhấn còi bất chợt sẽ gây giật mình đối với người đi đường. Nhiều vụ TNGT do người đi xe máy tự té ngã vì giật mình do còi hơi gây ra.

Kiểm tra xử lý tận gốc

Đáng chú ý là không chỉ các xe tải, xe ben... mà một số xe buýt chạy trong khu vực nội đô cũng gắn còi hơi để “dọa” người đi đường. Điển hình là trường hợp xe buýt 53N-4052 chạy tuyến Sài Gòn – Đại học quốc gia, do tài xế Nguyễn Văn Hậu điều khiển đã bị CSGT xử lý vì thay đổi còi có âm thanh lớn, không đúng quy chuẩn cho phép. Trong tháng 05/2010, Thanh tra Sở GTVT TP đã phát hiện và xử lý 26 trường hợp xe buýt sử dụng còi sai quy định.

So với các loại xe khác, thì xe buýt nếu gắn còi hơi khó phát hiện hơn vì dàn khung xe buýt che chắn rất kín. Đó là chưa kể một số xe buýt gắn hai công tắc vừa còi hơi, vừa còi điện. Khi bị kiểm tra, tài xế tắt công tắc còi hơi để qua mặt lực lượng chức năng.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: những phương tiện giao thông gắn còi gây ồn ào từ 22h ngày hôm trước đến 1h sáng hôm sau (trừ các xe có quyền ưu tiên hoạt động) sẽ bị xử phạt 150.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều tài xế vẫn còn coi thường.

Trong khi đó, theo Trung úy Lương Bá Trí, Đội Tham mưu tổng hợp PC26 thì mua, gắn một dàn còi hơi hiện nay là việc quá dễ. Tại TP.HCM rất nhiều khu vực như ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh), đường An Dương Vương, Tân Thành (Q.5), Ký Con (Q.1)... có bán đủ các loại còi hơi với đủ loại âm thanh đạt ngưỡng 120-250dB, vượt quá mức cho phép. Chỉ cần vài trăm nghìn đồng đến một triệu là có ngay một dàn còi hơi 4 cái dạng “khủng”.

Theo một đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khu vực phía Nam thì âm lượng còi xe của các phương tiện khi tham gia giao thông được phép dao động từ 90 – 150dB. Nhưng trên thực tế, các phương tiện đều gắn thêm các loại còi có ngưỡng âm thanh cao hơn rất nhiều, có khi lên đến trên 250dB.

Trong khi các lực lượng chức năng chưa được trang bị thiết bị đo âm thanh mà chủ yếu là quan sát bằng mắt thường và nghe bằng tai là chính, nên cũng gặp không ít khó khăn trong khi thi hành nhiệm vụ.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, trong tháng 7/2010, lực lượng Thanh tra sẽ phối hợp với đăng kiểm tiến hành kiểm tra các xe sử dụng còi không đúng quy định.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra tại các bến xe khách như bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, các bến xe buýt trên địa bàn TP. “Phải kiểm tra và xử lý tận gốc mới dẹp được nạn này”, ông Việt nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực