Bài 1- Hướng ra Thủ đô, hướng ra biển
Những năm gần đây, Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế... Nhu cầu xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa qua sân bay, cảng biển và thị trường các tỉnh, TP lân cận rất cao. Để đáp ứng yêu cầu giao thương, Bắc Giang ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho giao thông kết nối với mục tiêu“hướng ra Thủ đô, hướng ra biển”, mở rộng không gian phát triển mới.
Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Bắc Giang có vị trí nằm trên hành lang kinh tế lớn nhất vùng: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng và nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội (cách Thủ đô, Sân bay Quốc tế Nội Bài 50 km); là cửa ngõ “kép” - cách biên giới Việt - Trung (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - tỉnh Lạng Sơn) 110 km, cách Cảng biển quốc tế Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 140 km. Nhờ lợi thế trên và những nỗ lực không ngừng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước) nên nhiều năm liền Bắc Giang trong nhóm các tỉnh, TP dẫn đầu về thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và về kim ngạch xuất, nhập khẩu.
|
Cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) được xây dựng đã hóa giải điểm nghẽn trên QL 1. |
Bắc Giang xác định giao thông kết nối đang là điểm nghẽn cho xuất nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, “nút thắt” lớn nhất là cầu Như Nguyệt trên quốc lộ (QL) 1, tuyến giao thông huyết mạch nối Bắc Giang với Thủ đô Hà Nội, đến Sân bay quốc tế Nội Bài, các tỉnh lân cận, cảng biển thường xuyên bị ùn tắc kéo dài, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo phân cấp quản lý, việc nâng cấp, mở rộng cầu Như Nguyệt thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và đầu tư bằng ngân sách Trung ương. Trước đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, Bắc Giang đề xuất với Trung ương thực hiện cơ chế đặc thù đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu bằng ngân sách tỉnh. Với các hạng mục đầu tư gồm một đơn nguyên bên cạnh cầu cũ, bảo đảm hai cầu lưu thông được 6 làn xe, chiều dài hơn 439 m, tổng mức đầu tư hơn 456 tỷ đồng.
Sau hơn một năm dồn lực thi công, ngày 16/6/2023, công trình cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) khánh thành. Công trình không chỉ mang lại niềm vui cho đông đảo DN, người dân trong tỉnh mà còn nhiều địa phương trong cả nước. Ông Chung Won Seok, Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina (DN Hàn Quốc), Khu công nghiệp Vân Trung chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Trước đây, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng hoá xuất nhập từ nhà máy ra sân bay và ngược lại. Từ khi cầu Như Nguyệt được mở rộng, hàng hoá lưu thông rất thuận lợi, DN yên tâm đầu tư mở rộng nhà máy giai đoạn 2. Dự kiến năm 2025, tổng mức đầu tư của chúng tôi tại Bắc Giang đạt 1 tỷ USD”.
Từ năm 2021 đến nay, Bắc Giang đã huy động gần 26 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng KT-XH. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông giúp đẩy mạnh liên kết vùng. |
Cùng với tập trung hóa giải điểm nghẽn hướng ra Thủ đô, nhằm giảm thời gian, chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa cho các nhà đầu tư, DN và mở hướng phát triển cho các lĩnh vực khác, Bắc Giang tập trung đầu tư giao thông kết nối hướng ra biển. Điển hình là các dự án: Cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu kết nối Bắc Giang với tỉnh Hải Dương (gần 1.500 tỷ đồng); đường dự án nối thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) với TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (hơn 55 tỷ đồng).
Từ năm 2021 đến nay, Bắc Giang đã huy động gần 26 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng KT-XH. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực khác với nhiều dự án giao thông trọng điểm giúp đẩy mạnh liên kết vùng. Một số công trình nổi bật như: Đường nối QL 37- QL 17 - đường tỉnh (ĐT) 292 đoạn Việt Yên- Tân Yên- Lạng Giang; đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với TP Phổ Yên (Thái Nguyên); dự án đường dẫn và cầu Hà Bắc 1, Hà Bắc 2 kết nối với tỉnh Bắc Ninh…
Các tỉnh bạn chung tay
Chủ trương xuyên suốt của Bắc Giang “hướng ra Thủ đô, hướng ra biển” được các tỉnh, TP lân cận ủng hộ, chung tay thực hiện. Ví như để thực hiện cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu, Bắc Giang không thể làm một mình nếu không có sự hợp tác của tỉnh Hải Dương. Hải Dương đã phối hợp tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), làm tuyến đường đấu nối với cầu.
|
Phối cảnh cầu Đồng Việt nối Bắc Giang - Hải Dương. |
Cùng đó, để thuận lợi lưu thông với Bắc Giang, tỉnh Hải Dương triển khai cải tạo, nâng cấp tuyến giao thông huyết mạch là QL 37, đoạn nối từ QL 18 qua khu Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh với huyện Lục Nam (Bắc Giang). Đây là tuyến đường có vị trí quan trọng, phục vụ vận tải hàng hóa của các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… ra cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh và ngược lại các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình đi cửa khẩu Lạng Sơn.
Theo Sở GTVT tỉnh Hải Dương, ngoài những tuyến đường trên, Hải Dương đã cập nhật Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông quốc gia, trong đó có đường vành đai V Vùng Thủ đô Hà Nội; quy hoạch tuyến đường kết nối huyện Yên Dũng (Bắc Giang) với TP Chí Linh, điểm đầu giao với đường ĐH 5B thuộc địa phận xã Cảnh Thụy (Yên Dũng); tuyến đi qua khu quy hoạch Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Đức Giang và Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Đồng Phúc (trùng hướng tuyến đường huyện theo quy hoạch của huyện Yên Dũng, Bắc Giang); tuyến vượt sông Thương (cách bến phà Đồng Việt khoảng 2,4 km về phía hạ lưu) sang địa phận TP Chí Linh, men theo chân núi Phượng Hoàng kết nối QL 37 thuộc địa phận phường Cộng Hòa, TP Chí Linh.
Quy hoạch tuyến kéo dài ĐT 398B kết nối QL18 (Hải Dương) với ĐT 293 huyện Lục Nam (Bắc Giang) nhằm tăng cường kết nối liên vùng huyện với chiều dài 9,5 km (Hải Dương 3 km, Bắc Giang 6,5 km). Ông Vũ Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương đánh giá: “Với phương án quy hoạch nêu trên là cơ sở để hai tỉnh tập trung hợp tác đầu tư, đáp ứng kết nối mở rộng không gian tạo ra nền tảng hạ tầng giao thông thuận lợi; khai thác, phát huy các khu vực có lợi thế, có tác động liên vùng”.
|
Nhà thầu thi công đường nối QL 37-QL 17 - Võ Nhai (Thái Nguyên). |
Với tỉnh Quảng Ninh, để kết nối với ĐT 291 kéo dài của Bắc Giang từ huyện Sơn Động, Quảng Ninh có Nghị quyết về đầu tư đường nối từ QL 279 đến ĐT 291. Điểm đầu của dự án giao với QL 279 tại vị trí khu vực xã Tân Dân, TP Hạ Long và điểm cuối tuyến đấu nối vào ĐT291, thuộc xã Thanh Luận, huyện Sơn Động. Tổng chiều dài khoảng 8,1 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, 2 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.455 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023-2026. Cùng đó, Quảng Ninh làm đường kết nối ĐT 293 tỉnh Bắc Giang với QL 18 (tại xã Bình Dương, thị xã Đông Triều); cải tạo ĐT 330 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tuyến Mục đi đèo Kiếm thuộc xã Dương Hưu, huyện Sơn Động.
Ở chiều ngược lại, Bắc Giang mở nhiều tuyến giao thông kết nối với Lạng Sơn, Thái Nguyên nhằm khai thác hiệu quả liên kết vùng như các tuyến nối QL 37 - QL 17 - Võ Nhai (Thái Nguyên) được khởi công cuối tháng 12/2021, đi qua các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế có tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh. Với dự án này, tỉnh Thái Nguyên đã có chủ trương đầu tư ĐT 265D, dài 6,5 km thuộc huyện Võ Nhai đấu nối với Bắc Giang. Cùng đó, Bắc Giang xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các huyện, TP trong tỉnh đầu tư các tuyến giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển KT-XH của các huyện, TP và của tỉnh.
Sau nửa nhiệm kỳ 2020 -2025, nhờ tranh thủ sự ủng hộ, đầu tư của Trung ương, sự chung tay của các tỉnh, TP lân cận, đồng thời phát huy nội lực, chủ trương “hướng ra Thủ đô, hướng ra biển” của Bắc Giang đã có bước tiến mới về giao thông kết nối, nhiều cây cầu, con đường mới hình thành, giao thông đi trước một bước mở hướng khơi thông các nguồn lực phát triển KT - XH. Bắc Giang đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh; thị trường nông sản rộng đầu ra; phát triển du lịch nhiều khởi sắc...