Bài 5: Giải pháp nào khắc phục ô nhiễm nghiêm trọng ở Thị trấn Phú Thứ, Hải Dương?

Thứ sáu, 15/07/2016 18:28
(ĐCSVN) - Hiện nay, trước tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân đang sinh sống trên địa bàn Thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn, Hải Dương) đều cho biết: Họ vô cùng lo lắng cho cuộc sống của bản thân, gia đình, cho sức khỏe và tương lai của thế hệ con em họ.

Bài 1: Vì đâu phụ huynh của hơn 2.500 học sinh kêu cứu?

Bài 2: Cần làm rõ hành vi xả khí thải gây ô nhiễm môi trường ở Thị trấn Phú Thứ, Hải Dương

Bài 3: Người dân Thị trấn Phú Thứ, Hải Dương sống chung với “tử thần”

Bài 4: Cần dẹp bỏ hoạt động của những bãi than "lậu"!


Khói bụi từ các nhà máy sản xuất thường xuyên bủa vây không gian sống của người dân thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương


Cuộc sống với quá nhiều nguy cơ...

Quá trình tìm hiểu, làm rõ nội dung đơn kêu cứu của người dân Thị trấn Phú Thứ, nhóm PV chúng tôi đã điều tra và làm rõ những thực trạng đang tồn tại ở nơi đây. Trước hết là thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, với biểu hiện cụ thể ở tình trạng gia tăng các bệnh về đường hô hấp và các bệnh hiểm nghèo, nhất là bệnh ung thư. Tiếp theo đó là sự “lộng hành” của xe quá khổ, quá tải và tình trạng “bất trị” của hàng loạt những điểm tập kết than không phép, những bãi than lậu vốn đã tồn tại suốt thời gian dài gây nên sự bức xúc của người dân.

Điều đáng nói, với tất cả những thực trạng trên, nạn nhân cuối cùng phải gánh chịu hậu quả không ai khác, chính là gần 12.000 người dân đang sinh sống, lao động trên địa bàn Thị trấn Phú Thứ. Trong đó, đáng lo ngại hơn hết là sức khỏe, sự an toàn của gần 2.500 em học sinh đang học tập tại 04 trường học các cấp, bao gồm Trường mầm non thị trấn Phú Thứ; Trường Tiểu học Thị trấn Phú Thứ; Trường Trung học cơ sở thị trấn Phú Thứ và Trường Trung học Nhị Chiểu. Bởi theo nội dung phản ánh của đại diện phụ huynh học sinh, tình trạng ô nhiễm không khí do hoạt động xả thải của các nhà máy trên địa bàn, nhất là Công ty TNHH Nhôm Tân Đông và Công ty gang thép Tân Nguyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, rèn luyện nói riêng và sức khỏe của thầy, cô giáo, học sinh nói chung. 

Hơn ai hết, người dân Phú Thứ hiểu rõ nhất về những nguy cơ đang từng ngày, từng giờ đe dọa cuộc sống của họ. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả: Công việc, thu nhập… để có được cuộc sống ổn định, bình thường.

Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Văn V ở Khu dân sư số 2, Thị trấn Phú Thứ cho biết: “Vì mưu sinh cuộc sống, tôi phải làm việc trong Công ty TNHH Nhôm Tân Đông. Lao động trong môi trường không khí ô nhiễm như vậy, chẳng biết sức khỏe rồi sẽ ra sao? Có thể sau khi báo chí vào cuộc, tôi sẽ bị mất việc nhưng tôi vẫn mạnh dạn lên tiếng. Không làm việc này thì mình tìm việc khác. Thà một vài người chấp nhận mất việc còn hơn là để môi trường ô nhiễm khiến nhiều người lại mắc bệnh hiểm nghèo”. Theo quan sát của chúng tôi, thường xuyên làm việc tại Công ty TNHH Nhôm Tân Đông hiện nay có khoảng hơn 20 người lao động với điều kiện bảo hộ lao động rất sơ sài, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc với khói bụi và các loại nhôm phế liệu (là nguyên liệu đầu vào).

Điều kiện bảo hộ lao động sơ sài tại Công ty Cổ phần luyện kim Tân Nguyên

Mong mỏi đặt vào chính quyền các cấp

 

Anh Bùi Văn Loan ở Khu dân cư số 6, Thị trấn Phú Thứ cho biết, trước đây, khi các hoạt động sản xuất công nghiệp chưa phát triển, các nhà máy, doanh nghiệp chưa tập trung với mật độ dày đặc thì môi trường ở Phú Thứ cũng trong lành như bao vùng quê khác. Nhưng cùng với các hoạt động sản xuất công nghiệp thì môi trường ở thị trấn nhỏ bé này đang ngày một ô nhiễm nặng nề hơn, từ ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn cho đến ô nhiễm nguồn nước… Người dân bây giờ chỉ mong sao môi trường không khí trở lại trong lành để mọi người có sức khỏe lao động, làm việc. Nếu không, có lẽ chúng tôi cũng phải bán nhà, bán đất để đi nơi khác sống chứ cứ như thế này mãi thì rồi cũng chẳng biết cuốc sống sẽ đi về đâu. Thực tế thì đến thời điểm này, giá nhà đất ở Thị trấn Phú Thứ đã xuống rất thấp so với mặt bằng chung của huyện Kinh Môn (Hải Dương), nhưng nhiều gia đình muốn bán nhà mà vẫn không có người mua bởi việc ô nhiễm môi trường ở đây đã ở vào tình trạng đáng báo động.

Ông Hoàng Văn Ngọc, Trưởng Khu dân cư số 2, Thị trấn Phú Thứ (đồng thời cũng là ông ngoại của cháu Nguyễn Thị Như Q - nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông do xe ô tô phóng nhanh, đã được phản ánh trong bài trước) cho biết: “Mọi ý kiến của người dân trên địa bàn về tình trạng ô nhiễm không khí, xe than lậu, xe quá tải…, chúng tôi đều tiếp thu và báo cáo theo phân cấp. Người dân giờ chỉ còn biết trông đợi cả vào chính quyền các cấp”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những năm qua, nhất là thời điểm gần đây, UBND huyện Kinh Môn và UBND Thị trấn Phú Thứ cũng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm xe quá khổ, quá tải, gây ô nhiễm môi trường… Song, như nội dung phản ánh của người dân, sự vào cuộc đó chưa mang lại nhiều hiệu quả, mang tính “mùa vụ”, sau xử lý vài hôm là đâu lại vào đấy. Đơn cử gần đây nhất, sau nội dung phản ánh của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong các bài viết trước, mặc dù đã bị lập biên bản đình chỉ hoạt động tạm thời do xả thải khí có mùi khét, nhưng Công ty TNHH Nhôm Tân Đông cũng chỉ dừng sản xuất duy nhất 01 ngày.

Trao đổi với PV xung quanh bức xúc của dư luận và những nguy cơ đang trực tiếp đe dọa của đời sống của người dân trên địa bàn Thị trấn Phú Thứ, ông Lê Văn Bí - Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn một lần nữa cho rằng, để giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại hiện nay là “rất khó”. Ông Phó Chủ tịch cho biết, chính quyền cũng đã vào cuộc “quyết liệt, vật vã” nhằm giải quyết những bức xúc trong nhân dân; bản thân ông Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn có thể “đọc vị từng bãi than lậu” trên địa bàn Thị trấn Phú Thứ, nhưng việc giải quyết, đến nay vì nhiều nguyên nhân nên vẫn chưa thể triệt để.

“Để tình trạng như hiện nay, có phần lỗi ở chính quyền cơ sở vì huyện đã nhất trí cho thị trấn duy trì barie để ngăn chặn xe than lậu, xe quá khổ, quá tải nhưng thị trấn không làm được” - ông Lê Văn Bí chia sẻ thêm.

Về việc này, theo ghi nhận của phóng viên, cuối năm 2014, với sự chỉ đạo của ông Lê Văn Bí, một trạm barie đã được lập ở khu vực Thị trấn Phú Thứ song cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Vì vậy, nếu huyện lại giao cho UBND Thị trấn Phú Thứ thiết lập và duy trì trạm barie, liệu có “làm khó” cho chính quyền cơ sở?

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Tạ Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, hiện nay, Sở Tài nguyên & Môi trường đang phối hợp cùng với UBND huyện Kinh Môn để giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường gây bức xúc ở Thị trấn Phú Thứ, nhất là liên quan đến 2 công ty Tân Đông và Tân Nguyên.

Còn theo ông Phạm Văn Nhởn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương, trách nhiệm cấp phép và quản lý hoạt động kinh doanh của các bãi than thuộc về Sở Công thương (do kinh doanh than là hoạt động kinh doanh có điều kiện), Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ quản lý các vấn đề đất đai và các vấn đề liên quan đến môi trường.

Chị Nguyễn Thị Dung, đại diện phụ huynh các cháu học sinh đang học tập trên địa bàn Thị trấn Phú Thứ cho biết: “Trong khi người dân ở một số địa phương khác có nhiều hành động như chặn xe của doanh nghiệp, biểu tình phản đối công ty gây ô nhiễm…, thì người dân ở đây từ trước đến nay luôn chỉ làm đơn đề nghị, phản ánh lên cấp trên một cách rất "hiền hòa", mong mỏi chính quyền sớm có biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình tràn trên. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu người dân sẽ quyết liệt hơn trong thời gian tới để phản đối các nhà máy nếu hành vi xả thải gây ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra...”

Có thể nói rằng, hiện nay gần 12.000 người dân ở thị trấn Phú Thứ nói chung và 2.500 học sinh trên địa bàn nói riêng vẫn đang trông đợi những biện pháp tích cực, hiệu quả của chính quyền các cấp để trả lại môi trường sống cho họ.

Xin được khép lại bài viết với ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Phát triển công nghiệp là cần thiết. Chúng ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, song bất kỳ doanh nghiệp, công ty nào gây ô nhiễm môi trường thì đều sẽ bị xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật".

Chúng tôi cho rằng, các công ty, doanh nghiệp nào trên địa bàn huyện Kinh Môn và thị trấn Phú Thứ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì cũng cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Nhóm PV thực hiện

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực