Đổi tiền lẻ ăn chênh lệch có vi phạm pháp luật?

Thứ hai, 26/12/2022 23:49
(ĐCSVN) - Theo luật sư, Điều 12 và Điều 13 Chương 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN, ngày 02 tháng 12 năm 2013 quy định rõ chỉ có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang tới rất gần, và vẫn như thường lệ, thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới mệnh giá nhỏ phục vụ nhu cầu mừng tuổi, tâm linh... cũng đang nóng lên từng ngày.

Ngoài các mối quan hệ thân quen sẵn sàng đổi giúp nhau miễn phí thì khi gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên công cụ tìm kiếm, khoảng 39.100.000 kết quả hiện ra sau 0,34 giây với những cái tên như "dịch vụ đổi tiền", "đổi tiền Tết" hay "đổi tiền giá rẻ".

Nhu cầu đổi tiền mới, tiền mệnh giá thấp thường tăng mạnh dịp Tết nguyên đán
(Ảnh minh họa, nguồn congly.vn) 

Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, phục vụ giao hàng tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa với các hình thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản, thẻ cào… Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu.

Tuy nhiên, phí đổi khá cao, trung bình dao động từ 10 - 15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền, tiền mệnh giá càng nhỏ phí đổi càng đắt. Nhiều bạn đọc băn khoăn liệu hành vi này có bị xử lý không?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết có cầu ắt có cung. Dịch vụ đổi tiền thường bắt đầu tăng từ tháng 11, 12 năm này đến tháng 2 năm sau.

Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dừng phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp tết Nguyên đán, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, cùng với đó cam kết vẫn cung cấp tiền mệnh giá nhỏ gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước tết Nguyên đán. Người dân có tài khoản ở ngân hàng nào thì nên đến đổi tiền mới ở ngân hàng đó để không tốn phí, số tiền đổi được phụ thuộc vào từng ngân hàng.

Chính phủ cũng thường xuyên có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Theo luật sư Kỹ, bất kỳ hành vi đổi tiền lẻ của tổ chức, cá nhân để hưởng chênh lệch, kiếm lời sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo Điểm a Khoản 5 Điều 30 Mục 8 Chương II Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân còn mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

“Nhu cầu là có thực, tuy nhiên, chúng ta cần đề cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại như đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực