Cần sự chung tay đẩy lùi ô nhiễm không khí

Thứ ba, 15/10/2019 16:27
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, các thông tin về ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người dân mong mỏi các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn cần sớm có biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô, mới đây UBND TP Hà Nội đã nêu ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong thời gian qua gồm: Khí thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyên vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm;v.v.

Theo nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí chuyên ngành Chest, các chứng bệnh về tim, phổi, không phải là những căn bệnh duy nhất từ ô nhiễm không khí. Thông qua hệ hô hấp, các hạt bụi siêu mịn chạy theo mạch máu, phá hủy toàn bộ cơ thể con người như não bộ, nội tạng…gây ra các chứng bệnh mất trí nhớ, khó ngủ, ung thư...

Còn qua trao đổi với báo chí, PGS,TS, BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung,những người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có tiền sử về các bệnh lý tim mạch, hô hấp. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính.“Nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ môi trường trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả, kế đó là thế hệ tương lai”- bác sỹ Vũ Văn Giáp nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.

Trên thực tế, nhiều người dân Hà Nội đã cảm nhận được ảnh hưởng nặng nề của tình trạng ô nhiễm không khí. Ông Nguyễn Hồ Hưng (73 tuổi, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Trước tôi thường tập thể dục mỗi sáng tại Hồ Tây, cảm thấy không khí rất trong lành, nhưng giờ lúc nào tôi phải đeo khẩu trang khi đi tập. Bởi ngay trên mặt hồ cũng nhìn thấy bụi bay mù mịt, ngay trên mặt hồ còn thế này, các khu vực khác thì như thế nào?.Tôi hiện có nhiều đêm mất ngủ, gần đây nửa đêm hay dậy hắt hơi, sổ mũi rất khó chịu.Bây giờ chỉ mong sao thành phố phải có biện pháp xử lý triệt để. Nếu cứ để ô nhiễm không khí thế này thì người dân chúng tôi ốm hết…”.

Ông Nguyễn Hồ Hưng lo lắng hiện tượng ô nhiễm không khí. (Ảnh: TQ)

Cũng do chịu nhiều tác động từ ô nhiễm không khí, bà Phạm thị Mai (69 tuổi, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trong những ngày qua, bà cảm thấy khó thở, mệt mỏi, nhất là khi bệnh hen tái phát.“Giờ thì đi đâu không có khẩu trang thì không yên tâm, nói thật bây giờ chúng tôi già rồi, chỉ mong sao hạn chế khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, kiểm soát được việch xây dựng nhà ở cao tầng để người dân dễ thở và Hà Nội trở về với màu xanh vốn có của nó” - bà Mai chia sẻ.

Với công việc là nhân viên giao hàng, anh Dương Quốc Anh (43 tuổi, quê Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, với đặc thù phải chạy xe ngoài đường nên anhphải tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm, khói bụi. Từ lúc biết tin Hà Nội bị ô nhiễm không khí, trong cốp xe anh Quốc Anh luôn có cả 1 hộp khẩu trang để dự phòng. “Mấy ngày qua tôi thường thấy rát cổ, khó thở.Giờ cách tốt nhất là cùng nhau giảm thiểu và xử lý ô nhiễm. Người dân chúng tôi rất mong nhà nước có những biện pháp khắc phục nhanh vì để kéo dài tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mọi người” - anh Quốc Anh chia sẻ.

Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, rất cần có sự chung tay của cơ quan chức năng với người dân bằng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh các giải pháp vĩ mô của nhà nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nguồn nước, khí thải tại các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động tại các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội; sớm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, hạn chế các khu nhà cao tầng, nhằm giảm thiểu áp lực dân số, cũng như lượng khí thải. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tác hại của việc đốt rơm, rạ, tích cực trồng nhiều cây xanh…

Những biến động của môi trường nói chung, chất lượng không khí nói riêng luôn có tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người. Do đó, chung tay đẩy lùi tình trạng ô nhiễm không khí là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi người dân cần có những hành động thiết thực để góp phần đẩy lùi ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường sống của mội người dân và của cộng đồng.

Tuấn Quang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực