Mong mỏi trùng tu cổ tự gần 700 tuổi

Thứ sáu, 07/01/2022 15:27
(ĐCSVN) - “Nhiều năm gắn bó, tôi rất trăn trở khi nhìn chùa ngày càng xuống cấp. Mong chùa sớm được sửa sang để trả lại sự tôn nghiêm, dân làng có nơi đến lễ Phật…” - đó là lời tâm sự của vị trụ trì chùa Diễn Phúc, thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ngôi cổ tự có niên đại gần 700 năm gắn với nhiều huyền tích, nhưng đang đứng trước nguy cơ đổ sập…
Người dân mong chùa Diễn Phúc sớm được trùng tu, sửa chữa. 

700 năm gắn với nhiều huyền tích…

Chùa cổ Diễn Phúc Tự tọa lạc trên địa bàn thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Lấy ý từ câu hát “Mái chùa che chở hồn dân tộc”, người dân nơi đây thường gọi Diễn Phúc Tự là chùa Che.

Cổng chính chùa Diễn Phúc Tự, thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. (Ảnh: NM). 

Một buổi sớm mùa đông, chúng tôi đến thăm ngôi chùa cổ. Giữa sân chùa là bức tượng Phật Bà Quan Âm cao hơn 5 mét. Trước tiền đường, ngoài một đôi sấu đá đục thành bậc, mang phong cách điêu khắc đặc trưng của thời nhà Trần, còn có bia đá ghi dấu tích lịch sử.

Tiếp đón chúng tôi là Thầy Thích Đàm Vinh, vị trụ trì đã nhiều năm gắn bó với ngôi chùa. Thầy Thích Đàm Vinh cho biết, chùa Che được xây dựng vào khoảng năm 1328. “Nội dung tấm bia đá dựng bên trái tiền đường có ghi, Duy Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế bi minh tịnh tự - tức đời Trần Minh Tông, dựng bia ở nơi đây: Viện Diễn Phúc - Lộ Quốc Oai - Hương Già, xóm Quế, để kính tặng thường trụ Tam Bảo…”, vị trụ trì chùa Che cho biết.  

Trụ trì Thích Đàm Vinh đã nhiều năm gắn bó với chùa cổ Diễn Phúc Tự. (Ảnh: NM).

Hiện nay, nhiều cổ vật vẫn được chùa lưu giữ, trong đó một số có niên đại lên đến gần 700 năm tuổi. Tiêu biểu là đôi sấu đá thời Lý - Trần, trong tư thế nửa đứng nửa ngồi, cổ đeo lục lạc, nét chạm thô phác. Bên hồi tiền đường còn có 2 mảnh đất nung với hình khối trang trí rồng yên ngựa, hoa cúc theo kiến trúc thời Mạc. Dựa vào đó, người ta đã khẳng định rằng, chùa được xây dựng thời nhà Trần và từng được tu sửa vào thời nhà Mạc.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ quý, rất đẹp, trong số đó có tượng Phật Thế Tôn và tượng gỗ Quan Âm Nam Hải, 18 tay, cao 2 mét, ngồi trên bệ sen…

Mong nơi thờ tự sớm được sửa sang …

Với niên đại lên đến gần 700 năm nhưng nhiều năm trở lại đây, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, làm mất đi sự tôn nghiêm nơi thờ tự và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Chùa Che đang xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: NM).

Trụ trì Thích Đàm Vinh cho biết, chùa bắt đầu có dấu hiệnuxuống cấp từ 10 năm trước. Hiện tại, một số hạng mục quan trọng đã bị hư hỏng nặng.

“Những khi trời mưa gió, ngói chùa xô lệch, kêu răng rắc, bụi rơi xuống mù mịt, dân làng đang ngồi tụng kinh, niệm Phật thì hốt hoảng bỏ về…”, Trụ trì chùa chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong điện Tam Bảo, không ít vị trí mái ngói đã vỡ, thậm chí lộ thiên. Mưa nhiều, mái dột, khiến cho một số pho tượng gỗ bị ẩm mốc, mục nát. Nhiều vị trí tường vôi đã nứt thành từng mảng lớn. Nền gạch bong tróc. Hệ thống cửa và cột kèo bị mối mọt đục rỗng bên trong.

 Chắp vá bệ đỡ tượng Phật Hộ Pháp đã làm mất đi sự tôn nghiêm nơi thờ tự. (Ảnh: NM).

Tìm hiểu được biết, trước đó, khoảng giữa năm 2019, ban lãnh đạo xã và thôn Đại Nghiệp đã lên kế hoạch bàn bạc về việc tu bổ lại Diễn Phúc Tự, nhưng đến nay, chùa vẫn chưa được sửa chữa. Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, trưởng thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, chùa Che ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, không được tôn tạo lại là do chưa thể thống nhất phương án trùng tu và kinh phí.

Chùa Che là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương. Chứng kiến cảnh chùa xuống cấp, hoang tàn, dân làng ai cũng lo lắng và mong mỏi chùa sớm được trùng tu, sửa chữa.

Vừa sắp xong mâm lễ dâng Phật, chị Phạm Thị Vòng, ở thôn Đại Nghiệp bày tỏ: “Tôi hy vọng chùa sớm được sửa cho khang trang, gìn giữ được nét cổ mà các cụ thời xưa để lại. Người dân chúng tôi luôn sẵn sàng và mong muốn được góp sức, góp của để tu bổ lại chùa…”.

Có thể thấy, chùa Diễn Phúc là nơi trang nghiêm, thể hiện nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng. Ngoài giá trị vật chất, chùa còn gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh thần to lớn. Mong muốn chung của người dân là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm triển khai kế hoạch trùng tu, sửa sang, trả lại vẻ tôn nghiêm cho chùa Che, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống./.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực