Nghiêm trị đối tượng giả danh cán bộ quân đội, công an để lừa đảo

Thứ ba, 16/03/2021 20:08
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn giả danh người có chức vị cao trong ngành Quân đội, Công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tình trạng này cần phải trừng trị theo pháp luật để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Ngày 25/02/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Lai Châu đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Lăng Văn Nghĩa, sinh ngày 07/3/1979, trú tại phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu để điều tra về hành vi “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, chức năng để thực hiện hành vi trái pháp luật" và hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra ban đầu, Lăng Văn Nghĩa sử dụng giấy chứng minh sĩ quan giả (mang tên Nguyễn Văn Nghĩa, sinh năm 1972, cấp bậc Thượng tá, đơn vị Tổng cục II); giả mạo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc bổ nhiệm đối tượng làm “Cụm trưởng Cụm điện báo" số 2 thuộc TCII - BQP để lừa đảo, chiếm đoạt của một số người dân trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang... với số tiền gần 500 triệu đồng.

Trước đó, tháng 8/2019, Cục Bảo vệ an ninh quân đội (Tổng cục Chính trị) phối hợp với Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), kiểm tra một phụ nữ mặc quân phục với quân hàm thượng tá, mang biển tên Nguyễn Trần Vân Anh, sau khi đối tượng này nhận 50 triệu đồng của một người dân tại nhà hàng trên đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Qua kiểm tra bước đầu, đối tượng không xuất trình được giấy tờ gì liên quan đến Quân đội. Tại trụ sở Công an phường Yên Hòa, đối tượng khai tên là Lê Thị Phương, sinh năm 1985 tại thôn Bối Lim, xã Định Tường (Yên Định, Thanh Hóa). Bộ quân phục cùng quân hàm, biển tên, phù hiệu binh chủng mua tại một địa điểm ở TP Hà Nội và được Phương sử dụng khoảng 10 lần, trong đó có mục đích lừa đảo nhận tiền để chạy việc.

Đối tượng Lê Thị Phương tại trụ sở công an phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: ĐT).

Cũng liên quan đến hành vi giả danh sĩ quan để lừa đảo, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ðắk Lắk cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ðào Thanh Tâm ( sinh năm 1976, trú tại 31 Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, đối tượng Ðào Thanh Tâm đã tự giới thiệu mình là Ðại tá Hà Phương Tường Vân là "quyền Cục trưởng tình báo của Bộ Công an" để xin được làm dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại địa bàn tỉnh Ðắk Lắk. Với thủ đoạn tự nhận mình là "Cục trưởng An ninh Tây Bắc của Bộ Công an", Tâm còn chiếm đoạt của một người dân số tiền 300 triệu đồng.

Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình của tình trạng giả danh sĩ quan quân đội, công an để lừa đảo. Thậm chí, có trường hợp kẻ cầm đầu lừa đảo còn mạo danh là "Thiếu tướng Quân đội", từ đó khiến nhiều người cả tin và sập bẫy. Thủ đoạn chung của những đối tượng này là thường lợi dụng uy tín, sự tin yêu của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ  Quân đội, Công an để tạo dựng lòng tin; từ đó tìm cách lừa đảo người dân khi có cơ hội. Các đối tượng thường khoe khoang những mối quan hệ rộng, quen biết nhiều lãnh đạo ở Trung ương, địa phương, chỉ huy trong Quân đội, Công an và có khả năng xin biên chế, việc làm, “chạy dự án”, “chạy việc”, “chạy án”… Sau khi lấy được lòng tin, những đối tượng này sẽ yêu cầu người dân đưa tiền để “giải quyết quan hệ”, để “lo việc”... rồi chiếm đoạt luôn số tiền này.

 Quân trang được bán tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình).

Thực tế xung quanh những vụ việc nói trên, dư luận cho rằng, tình trạng mua bán quân trang, cảnh phục dễ dàng cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ lừa đảo nói trên. Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng giả danh cán bộ Quân đội, Công an để lừa đảo, các cơ quan chức năng cần sớm siết lại hoạt động quản lý, mua bán quân trang, trang phục Công an nhân dân. Ngoài việc quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ, cũng cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan Quản lý thị trường sở tại đối với những cơ sở mua bán, kinh doanh các sản phẩm “nhái” đồ quân trang, trang phục Công an nhân dân. Đặc biệt, tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hiện tượng mua bán đồ quân trang, trang phục Công an nhân dân trên mạng xã hội facebook, zalo... Vì qua xác minh, nhiều đối tượng phạm tội đã tìm mua đồ quân  trang, trang phục Công an nhân dân trên mạng xã hội trước khi thực hiện các hành vi lừa đảo.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nghiên cứu, điều chỉnh tăng nặng chế tài xử lý hành vi mua bán mua bán quân trang, trang phục Công an nhân dân trái phép. Luật sư Nguyễn Đức Anh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An chia sẻ, theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức phạt cao nhất đối với tội “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” là 2 năm tù; nếu hành vi giả mạo để thực hiện các hành vi phạm tội khác, như “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội đó. Nhưng nguy hiểm hơn, hành vi “giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” còn làm giảm sút niềm tin của người dân đối với uy tín của  một số cơ quan chức năng. Vì vậy, mức hình phạt tối đa 2 năm tù là quá nhẹ, chưa tương xứng với những hậu quả do hành vi này gây ra. Cần xem xét nâng mức xử lý đối với hành vi mua bán, sử dụng trái phép quân trang, trang phục Công an nhân dân và hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác. Đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng, cần xem xét xử lý hình sự để bảo đảm tính răn đe.

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia pháp lý cho rằng, để ngăn chặn những vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng các cấp cần nhanh chóng điều tra, xác minh, xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi trong dư luận về những đối tượng giả danh sĩ quan Quân đội, Công an để lừa đảo. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh xã hội hóa thông tin mạnh mẽ như hiện nay. Thông tin nhanh chóng, kịp thời về việc xử lý sẽ là cơ sở để dư luận xã hội nâng cao ý thức tự phòng ngừa; từ đó hạn chế các vụ việc giả danh cán bộ Quân đội, Công an để lừa đảo.

Đồng thời, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác đối với những đối tượng tự giới thiệu mình là Quân nhân, cán bộ Công an; nếu không quen biết thì phải yêu cầu xem chứng minh thư Quân đội, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy giới thiệu của đơn vị về địa phương công tác… Đây là cách để người dân tự bảo vệ mình, và góp phần đấu tranh chống lại những hành vi giả danh cán bộ Quân đội, Công an để lừa đảo./.

Nguyên Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực