Thái Bình: Giải pháp nào khắc phục tình trạng ô nhiễm ở "thủ phủ" sản xuất vôi Cầu Nghìn?

Thứ tư, 11/05/2016 15:31
(ĐCSVN) - Nhiều năm qua, người dân Cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, khí phát thải từ các lò nung vôi ngay sát khu dân cư. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật nhãn tiền nếu như vấn đề môi trường không được giải quyết.


  Quang cảnh khu lò vôi Cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại “thủ phủ” sản xuất vôi Cầu Nghìn có 30 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh vôi với tổng số 64 lò (115 ống lò) có công suất khác nhau, sản lượng ước đạt từ 8 đến 10 tấn/lò/ngày. Đặc biệt, trong số các lò vôi này có tới 25 lò nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, đường Quốc lộ 10 và nhiều lò vôi khác nằm len lỏi trong khu dân cư.

Điều dễ dàng nhận thấy nhất ở khu vực này là các cây xanh trên những con đường trong và quanh khu vực lò vôi bị bao bọc bởi một lớp bụi xám. Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn trong vùng luôn chịu cảnh đìu hiu vắng khách vì vấn nạn khói bụi lò vôi khiến phòng ốc quanh năm bám bụi, không khí ngột ngạt.

Vừa vào khu vực Cầu Nghìn, mặc dù đeo kín khẩu trang, kính râm nhưng chúng tôi đã cảm nhận rõ bầu không khí ở đây ngột ngạt đến khó thở, mắt cay cay với mùi hăng nồng của khí thải xỉ than, mùi ngai ngái tỏa ra từ những ống khói lò vôi đang nung, và bụi mù mịt trên đường do những đoàn xe tải tấp nập ra vào…

Ông Trần Huy Nam, người dân sống tại tổ dân phố Cầu Nghìn cho biết: Hiện tại tất cả ngõ ngách, trong nhà, ngoài đường chỗ nào cũng có bụi. Người dân chúng tôi thường xuyên ngửi thấy mùi nồng nặc, rất tức ngực. Mặc dù rất nhiều lần chúng tôi kiến nghị vấn đề này lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Bà Nguyễn Hồng Thương ở tổ dân phố 12, thị trấn An Bài bức xúc: Hưởng lợi từ sản xuất vôi chỉ 30 hộ dân, nhưng hàng nghìn hộ dân trong vùng ảnh hưởng như chúng tôi phải “chịu trận” vì môi trường ô nhiễm là điều vô lý. Chúng tôi biết, ai cũng phải làm ăn, nhưng các hộ sản xuất vôi phải làm thế nào để hạn chế gây hại môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi.

Một số hộ dân khác cho biết, các lò vôi này được nung đốt suốt ngày đêm. Để “sống chung với lũ”, nhiều hộ gia đình đã phải dùng bao bạt che chắn cửa nhà, nhưng có vẻ không mấy hiệu quả trước tình trạng ô nhiễm quá khủng khiếp.

Được biết, khu sản xuất vôi tập trung tại Cầu Nghìn có tiền thân là Xí nghiệp Vôi Cầu Nghìn hoạt động sản xuất kinh doanh từ rất lâu. Vào những năm 1989 - 1990, Xí nghiệp này giải thể, chuyển cho hộ cá nhân kinh doanh. Từ đây, một số hộ gia đình đã xây dựng lò vôi và kinh doanh bến bãi, vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng và sản xuất nông nghiệp trong khu vực. Tháng 8/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 31, cấp bằng công nhận khu Cầu Nghìn là “Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng”.

 Quá trình nung vôi dùng rất nhiều than đá, lò hoạt động thủ công, không có hệ thống chụp hút
 nên khí thải xả thẳng ra gây ô nhiễm môi
trường.

  
Trước nhu cầu của thị trường, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vốn để xây dựng lò vôi theo hướng quy mô lớn nhằm đáp ứng sản lượng. Nhiều hộ gia đình cũng dùng phần diện tích đất ở của mình để xây dựng lò vôi, kinh doanh sản xuất và mua đất ở chuyển đến khu vực khác.

Năm 2012, UBND thị trấn An Bài đã lập quy hoạch và trình UBND huyện Quỳnh Phụ phê duyệt quy hoạch 19ha khu kinh doanh vật liệu xây dựng, bến bãi và được UBND huyện Quỳnh Phụ chấp thuận. Năm 2013, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 2135 (ngày 11/10/2013) về việc dừng cấp phép xây dựng lò sản xuất vôi thủ công; UBND tỉnh Thái Bình cùng các sở, ngành liên quan cũng đã có văn bản chỉ đạo dừng hẳn việc cho phép đầu tư xây dựng các dự án sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn.

Tuy nhiên, theo số liệu chúng tôi nắm được, đến thời điểm hiện tại, trong 64 lò vôi đang hoạt động sản xuất vôi trên tại khu vực Cầu Nghìn thì chỉ có 16 hộ (37 lò) đã được UBND huyện Quỳnh Phụ phê duyệt cho phép hoạt động; còn lại 14 hộ (27 lò) chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, hoặc đang chờ phê duyệt, tuy nhiên vẫn đang ngày đêm hoạt động miệt mài và nhả khói, bụi hết công suất ra môi trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài cũng thừa nhận việc sản xuất vôi đã gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhân dân quanh khu vực.

“…Ô nhiễm môi trường tại địa phương chủ yếu phát sinh từ khói bụi lò vôi và bụi xỉ than trong quá trình nung vôi phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm thế nào tại địa phương từ trước tới nay chưa có đánh giá cụ thể…” - Chủ tịch thị trấn An Bài cho biết.

 Ông Trần Hoài Nam, chuyên viên Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình).

Từ góc độ chuyên môn, ông Trần Hoài Nam, chuyên viên Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) phân tích: Trong quá trình nung vôi thủ công sẽ phát tán ra các khí thải như: Các-bon-nic các biến thể như CO; CO2, COX; khí Ni-tơ với các biến thể như NO, NO2, NOX; khí lưu huỳnh với các biến thể như SO, SO2; SOX… Đây là các khí thải dễ gây sốc cho đường hô hấp và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người nếu nó phát tán nhiều ra môi trường.

Vẫn biết khói bụi, khí phát thải từ hoạt động sản xuất vôi tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, song việc tìm giải pháp hữu hiệu nhất, khả thi nhất để bảo đảm môi trường, sức khỏe người dân trước tác động tiêu cực trên  thì chính quyền địa phương có vẻ vẫn đang loay hoay ở cấp độ “đang xây dựng đề án phá bỏ toàn bộ lò vôi theo đề án Chính phủ đến năm 2020”.

Các lãnh đạo địa phương cũng cho biết, vấn đề cơ cấu, chuyển đổi nghề cho gần 2.000 lao động, chủ yếu là lao động tự do, lớn tuổi đang là vấn đề nan giải khiến địa phương đang lúng túng tìm hướng giải quyết và chờ hướng chỉ đạo của cấp trên.

Về giải pháp hiện nay mà các cấp chính quyền địa phương đưa ra như: thành lập đội vệ sinh môi trường; mua xe phun nước các tuyến đường dân sinh hạn chế khói bụi; khuyến cáo, yêu cầu các hộ kinh doanh phải che chắn và phun nước giữ ẩm tại khu vực sản xuất không để bụi phát tán ra bên ngoài... có lẽ cũng chỉ là những giải pháp tình thế, chưa có tính lâu dài.

Theo Công văn 507 của Bộ Xây dựng, các lò vôi thủ công Cầu Nghìn sẽ dần từng bước bị xóa bỏ. Tuy nhiên, việc chờ "từng bước” này sẽ đồng nghĩa với bức xúc về môi trường của người dân tại địa phương vẫn chưa thể giải quyết ngay.

Trước vấn đề trên,  đề nghị UBND tỉnh Thái Bình sớm có biện pháp giải quyết và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực lò vôi Cầu Nghìn, nhằm  bảo đảm môi trường sống cho người dân địa phương, tránh các hiểm họa lâu dài./.                                                                                                                                 

Bài, ảnh: Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực