Vui, buồn làng nghề khảm trai truyền thống ở Phú Xuyên (Hà Nội)

Thứ sáu, 14/04/2017 22:52
(ĐCSVN) - Nằm bên sông Nhuệ, từ hàng trăm năm nay, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống. Nghề khảm trai đã và đang mang lại thu nhập lớn cho người lao động Chuyên Mỹ. Tuy nhiên, phía sau sự phát triển đó là hàng loạt những vấn đề nan giải đang đặt ra cho chính quyền và người dân nơi đây, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường…

Kinh tế phát đạt, thu nhập tăng cao

Các công đoạn cắt trai, mài trai luôn tạo ra lượng bụi lớn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: PA

So với các xã, thị trấn khác, Chuyên Mỹ được đánh giá là một trong những xã giàu của huyện Phú Xuyên. Xã có 7 làng thì cả 7 làng được công nhận làng nghề khảm trai, sơn mài, chế biến nguyên liệu khảm trai... Nghề khảm trai truyền thống đang tạo nên những bước đột phá, đem lại lợi ích kinh tế cao cho hơn 1.000 hộ dân tại các thôn: Chuôn Ngọ, Chuôn Trung, Chuôn Thượng… Theo thống kê đến cuối năm 2016, toàn xã Chuyên Mỹ có hơn 70% dân số thuộc diện khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, chỉ còn khoảng 1,98%.

Cảm nhận chung của mọi người khi đến với các làng nghề khảm trai truyền thống ở Chuyên Mỹ đó là không khí nhộn nhịp, khẩn trương, tấp nập. Những cơ sở sản xuất, những người thợ khảm trai lao động, làm việc suốt ngày đêm để tạo ra những tác phẩm tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật cao. Nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm là vỏ trai, vỏ ốc được làm sạch; cắt, xẻ, làm nhẵn, dùng lửa làm phẳng. Những miếng vỏ trai, vỏ ốc “vô tri, vô giác” qua bàn tay của người thợ khảm, được gắn lên những đồ vật, bức tranh, đã trở thành những tác phẩm kiệt tác có giá trị nghệ thuật cao.

 Đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường trong nước và quốc tế, nguyên liệu khảm cũng ngày càng đa dạng, đặc biệt hơn. Nếu như trước đây, nguyên liệu chủ yếu là vỏ trai, ốc được mua về từ các tỉnh ven biển như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định… thì hiện nay, để tăng chất lượng, các nghệ nhân ở Chuyên Mỹ đã sử dụng nhiều loại ốc đặc biệt được nhập từ: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Ngoài vỏ trai, vỏ ốc, nay có thêm cả ngà voi, vàng, bạc, ngọc trai… Do đó, nhiều sản phẩm tạo ra có giá trị lên tới hàng trăm triệu. Nghề khảm trai đang thực sự tạo sức bật mạnh mẽ cho sự phát triển về kinh tế của người dân Chuyên Mỹ.

Theo đồng chí Vũ Hồng Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, hiện nay, toàn xã đang có trên 1.000 hộ gia đình tham gia vào các nghề liên quan đến khảm trai. Nghề khảm trai không chỉ mang lại thu nhập bình quân khoảng 70 - 100 triệu đồng/hộ/năm mà còn giúp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương lân cận. Tính đến hết năm 2016, bình quân thu nhập toàn xã Chuyên Mỹ đạt 34,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt hơn 96%. Nghề khảm trai truyền thống đã trực tiếp góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trong xã.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

“Giàu nhưng khổ” là suy nghĩ của phần lớn những ai đã từng chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở xã Chuyên Mỹ. Chính việc phát triển nghề khảm trai truyền thống đã khiến người dân tại các làng nghề ở Chuyên Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường cả về không khí và nguồn nước. Do thiếu quy hoạch đồng bộ nên đến nay, phần lớn các hộ làm nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ vẫn sản xuất tại gia đình, giữa khu dân cư. Toàn bộ lượng nước thải, khí thải, bụi từ sản xuất được xả thẳng ra môi trường. Điều này đã buộc gần 10.000 nhân khẩu ở xã Chuyên Mỹ đang phải sống chung với ô nhiễm do làng nghề gây ra.

Đến thôn Chuôn Thượng, nơi có tới hơn 90% hộ dân làm nguyên liệu khảm trai, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi chứng kiến cảnh ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải. Âm thanh "xoèn xoẹt" đặc trưng phát ra thường xuyên từ hàng trăm máy cắt, máy mài trai tại các cơ sở sản xuất gây khó chịu cho mọi người. Việc mài trai, cắt trai là một công đoạn không thể thiếu để tạo thành miếng trai thành phẩm để phục vụ cho nghề khảm trai. Công đoạn này tạo ra một lượng bụi khá lớn. Cùng với đó, để sản phẩm khảm trai bóng hơn, màu sắc đẹp hơn, người ta phải ngâm trai trong một số hóa chất đặc biệt. Dùng xong, nước hóa chất được đổ trực tiếp ra mương máng. Bình quân, mỗi ngày, một máy cắt trai thải ra khoảng 4 - 5m3 nước thải. Hệ thống máng thoát nước của thôn Chuôn Thượng nói riêng và xã Chuyên Mỹ nói chung vì vậy đều trắng nước thải và chất thải. Toàn bộ cây cối xung quanh, mái nhà, sân... đều phủ một lớp bụi trai trắng xóa. Chất thải sản xuất chất thành từng đống dọc theo các con ngõ nhỏ hoặc trong vườn nhà của nhiều gia đình.

Vừa quét vội lớp bụi trai trắng xoá trong xưởng mài trai, ông Vũ Văn Khoản - chủ hộ sản xuất nguyên liệu khảm tại thôn Chuôn Thượng vừa cho biết: Chúng tôi cũng biết làm như vậy là có hại nhưng không còn cách nào, đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm...

Hầu hết các hộ làm nghề đã căng bạt để hạn chế lượng bụi phát tán ra môi trường nhưng vẫn không chắn được bao nhiêu. Ở những thôn khác trong xã Chuyên Mỹ, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng diễn ra với mức độ khá nghiêm trọng. Điển hình như ở các thôn làm nghề sản xuất đồ gỗ, sơn mài, các hộ còn sử dụng sơn, dầu bóng nên hằng ngày thải ra môi trường lượng khí thải độc lớn, đó là chưa kể lượng bụi gỗ độc (chủ yếu là gỗ lim, gỗ trắc) từ các cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn thải ra. Hiện nay, 100% số hộ trong xã Chuyên Mỹ đều sử dụng giếng khoan sâu từ 20 - 50m. Toàn bộ nước giếng khoan khi bơm lên đều có màu trắng đục, mùi tanh, vị mặn. Qua kiểm định chất lượng nước hằng năm, nước giếng khoan tại đây đều nhiễm asen ở mức cao khiến người dân rất lo lắng.

Thực tế cho thấy, do thường xuyên chung sống với ô nhiễm nên số người mắc các bệnh tiêu hóa, hô hấp ở xã Chuyên Mỹ đều có dấu hiệu tăng lên qua các năm. Theo thống kê của Trạm y tế xã, trung bình mỗi tháng có khoảng 300 người tới khám bệnh. Loại bệnh chủ yếu mà người dân trong xã mắc là nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột, bệnh phụ khoa, ký sinh trùng đường ruột… Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến số người mắc bệnh tăng là do môi trường không khí ô nhiễm nặng và ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước do sản xuất của làng nghề truyền thống.

Được biết, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm do sản xuất làng nghề khảm trai gây ra, thời gian qua, xã Chuyên Mỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường; tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, chất thải làng nghề ra khu xử lý tập trung. Xã cũng đang triển khai quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề quy mô 30ha để quy tụ tất cả các cơ sở sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm.

Phát triển kinh tế làng nghề truyền thống, nâng cao thu nhập của người dân là rất cần thiết. Song, cũng cần chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của người dân. Do vậy, mong mỏi lớn nhất của người dân Chuyên Mỹ hiện nay là thành phố Hà Nội sớm đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, tập trung các cơ sở sản xuất để người dân không phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước; đồng thời, đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đây là điều kiện để nghề khảm trai truyền thống ở xã Chuyên Mỹ có thể phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; cũng như giúp hàng nghìn người dân xã Chuyên Mỹ sớm thoát khỏi cảnh “giàu nhưng khổ” mà họ đã phải gánh chịu trong hàng chục năm qua./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực