An Giang nơi con sông Cửu Long bắt đầu chảy vào đất Việt, là cửa ngõ phía Tây Nam của Tổ quốc. Tỉnh An Giang hiện có 28 dân tộc thiểu số với trên 119 nghìn người, chiếm 5,26% so với dân số cả tỉnh, chủ yếu là dân tộc Khmer (chiếm 4,2%); dân tộc Chăm (chiếm 0,67%); dân tộc Hoa (chiếm 0,38%); ngoài ra, còn có 25 dân tộc thiểu số khác với tổng số 96 người sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Qua nhiều thế kỷ cùng chung sống, các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, gắn bó cùng chung sống, không có bất kỳ sự mâu thuẫn hay phân biệt về sắc tộc.
An Giang có nền văn hóa đa bản sắc, xuất phát từ cộng đồng các dân tộc cộng cư trên địa bàn, đặc biệt là của 4 dân tộc chính: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer.
Hiện nay, tỉnh đang sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, với hơn 100 lễ hội truyền thống hằng năm; nhiều nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, trang phục, tri thức dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán cộng đồng, ngôn ngữ... Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, chứa đựng những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên vùng đất An Giang.
Theo nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Nguyễn Hồ Thanh - Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và ThS. Dương Thị Bích Thủy - Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, ở khu vực miền núi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Tri Tôn, Tịnh Biên, hay miền sông nước như Tân Châu, An Phú, Châu Phú - nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống vẫn lưu giữ nét độc đáo của những ngôi chùa mang kiến trúc tôn giáo đặc thù, tạo nên những nét văn hóa riêng đầy ấn tượng. Những di tích này đều được bảo tồn nghiêm túc, làm thỏa mãn đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc và hiện đang trở thành những điểm đến thu hút đối với du khách trong và ngoài nước.
|
Một nghi lễ trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer thường gắn liền với các dịp lễ tôn giáo. Tại hai huyện miền núi Tịnh Biên, Tri Tôn, dịp lễ Dolta của đồng bào Khmer, chính quyền địa phương đã phối hợp tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi rất thành công, tạo được tiếng vang lớn, hàng năm thu hút rất đông du khách, giới truyền thông và các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật trong cả nước hội tụ.
Ngoài các lễ hội dân gian truyền thống, các ngành chức năng còn tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer; khơi dậy niềm tự hào và giáo dục giới trẻ ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Sãi cả Chau Khi - Trụ trì chùa Tà Ngáo ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên chia sẻ sự phấn khởi, xúc động trước việc chính quyền các cấp đã rất quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Khmer bảo tồn, phát huy dòng nhạc dân tộc thông qua những lời hát, điệu múa uyển chuyển, những vở tuồng Dù kê ẩn chứa bao tự tình và các nghi thức cúng tế dịp lễ, tết, trong những bộ trang phục truyền thống vô cùng rực rỡ.
Đặc biệt, tháng 11/2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer đến năm 2030. Đây là việc làm rất cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Đối với dân tộc Chăm, anh Goay ở xã Quốc Thái, huyện An Phú vui mừng nhận xét, Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch của đồng bào Chăm không ngừng được cải tiến về nội dung và hình thức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của bà con. Hiện nay, lễ hội đã được nâng lên thành một trong những lễ hội chính thức của tỉnh, được luân phiên tổ chức hàng năm tại các địa bàn có đông đồng bào Chăm sinh sống.
|
Thánh đường Hồi giáo của người Chăm ở ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang |
Đời sống văn hóa - văn nghệ của người Chăm An Giang rất phong phú. Trong các ngày hội lớn, các hoạt động diễn ra tạo nên một không khí hết sức vui tươi nơi cộng đồng người Chăm sinh sống. Chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm và luôn tạo điều kiện cho cộng đồng người Chăm tham gia.
Vào dịp lễ, tết, người Chăm trổ tài nấu các món ăn truyền thống như cơm nị - cà púa và tung lò mò (lạp xưởng bò) - một món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, được tất cả mọi khách ẩm thực đón nhận như một đặc sản quý giá, ngon, lạ và bổ dưỡng.
Hiện nay, những giá trị di sản văn hóa truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, bảo tồn và phát huy di sản ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc thiểu số Chăm, Khmer. Tìm hiểu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn - diễn xướng dân gian cộng đồng các dân tộc; tìm hiểu tri thức dân gian tiêu biểu của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (về luật tục, nghi lễ vòng đời, võ thuật, trị bệnh cứu người bằng những bài thuốc nam, những làng nghề thủ công tiêu biểu, phong tục tập quán các dân tộc…)
Tỉnh xác định đầu tư cho văn hóa các dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển nền tảng tinh thần, tạo sức mạnh nội sinh để các dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc, hướng tới phát triển bền vững./.