Thúc đẩy sử dụng, phổ biến ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Thứ tư, 01/11/2023 11:03
(ĐCSVN) - Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đảm bảo và thúc đẩy quyền bình đẳng và được sử dụng, phổ biến ngôn ngữ dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ, các đơn vị chuyên môn đã bổ sung các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc - tiếng phổ thông để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Đến nay, đã có 51 thư viện cấp tỉnh, 541 thư viện cấp huyện, 2.191 thư viện cấp xã tại các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống có đầu sách song ngữ.

Nhiều thư viện đã nỗ lực số hóa tài liệu bằng tiếng dân tộc để lưu giữ lâu dài như: Thư viện tỉnh Yên Bái đã số hóa 100% tài liệu bằng tiếng dân tộc; Thư viện tỉnh Sơn La có trên 1.000 cuốn sách bằng tiếng Thái cổ, số hóa được 23.154 trang tài liệu bằng tiếng dân tộc; thư viện dân sinh ngoài công lập tại các chùa Khmer tổ chức phục vụ tài liệu bằng tiếng dân tộc cho đồng bào Khmer các tỉnh, thành phố phía Nam…

 Sản xuất chương trình  bằng tiếng dân tộc tại đài phát thanh - truyền hình tỉnh Sơn La (ảnh: Mạnh Cường)

Tỉnh Sơn La là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng.

Chị Hà Thị Mai Phương, dân tộc Thái ở phường Quyết Thắng, Thành phố Sơn La chia sẻ, do tính chất công viêc nên chị thường xuyên phải sử dụng các tài liệu liên quan đến đặc điểm các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, từ khi biết tới website của Thư viện tỉnh, chị đã có thể tìm đọc, tra cứu tài liệu phục vụ công việc của mình mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến tận thư viện như trước đây.

Theo bà Hồ Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La, những người dân tộc thiểu số như chị Phương nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, trong đó có nhân dân trong tỉnh Sơn La tìm đến Thư viện số Sơn La trong xu hướng chuyển đổi số ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh thu hút từ gần 1 triệu lượt truy cập.

Được biết, năm 2023, Thư viện tỉnh Sơn La được cấp 2,5 tỷ đồng thực hiện chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ nguồn kinh phí này, Thư viện tỉnh Sơn La đã đầu tư máy tính, máy in, máy scan và nâng cấp phần mềm, đường truyền internet, cùng một số thiết bị phục vụ bạn đọc.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dân tộc trên địa bàn đã có nhiều hình thức tổ chức các hoạt động, nội dung nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS như: Khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc; Lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Nhiều tỉnh, thành phố đã có những cách thức bảo tồn hiệu quả di sản tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.

Tại tỉnh Khánh Hoà, vì không muốn để văn hóa dân tộc bị mai một, ông Cao Điệp Phới, nghệ nhân dân tộc Raglai ở làng Hóc Gia, thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông, thành phố Cam Ranh cùng với một số người đã dạy tiếng Raglai cho giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là điều kiện tốt để đội ngũ cán bộ trực tiếp giao tiếp và chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc, đồng thời nâng cao hiệu quả giao tiếp, hiệu quả công tác dân vận với đồng bào.

Ngoài cách làm như ở Khánh Hoà, các địa phương khác còn tích cực tổ chức các hoạt động văn hoá để bảo tồn tiếng dân tộc thiểu số. Tỉnh Phú Thọ bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian.

Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đầu tư công trình nghiên cứu biên soạn bộ chữ viết tiếng Bhnong; huyện Nam Trà My sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn sách dạy và học tiếng dân tộc Cadong để đưa vào giảng dạy tại các trường học.

Tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách chữ Chăm, tiến hành giao nhận Thư tịch cổ Chăm và được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh tu bổ, bồi nền, số hóa…

Những nỗ lực trong lĩnh vực văn hóa đã tạo điều kiện để tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được sử dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn trong đời sống xã hội.

Hoàng Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực