Việt Nam sớm thực hiện chính sách ngôn ngữ và dạy học tiếng dân tộc

Thứ ba, 31/10/2023 09:52
(ĐCSVN) - Nhờ hệ thống các văn bản pháp quy được ban hành đồng bộ và sự chỉ đạo sâu sát, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số được mở rộng về quy mô và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, nghĩa là Việt Nam cũng đồng thuận với các thành viên khác “xét rằng Hiến chương của Liên hợp quốc dựa trên nguyên tắc về sự bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người và rằng tất cả các quốc gia thành viên đã cam kết sẽ có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng tổ chức Liên hợp quốc nhằm đạt được một trong những mục tiêu của Liên hợp quốc là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng, tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người của tất cả mọi người, mà không có bất kỳ sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo”.

Là quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, Việt Nam đã thể hiện sự tôn trọng và nội luật hoá các cam kết quốc tế vào pháp luật quốc gia. Nguyên tắc về sự bình đẳng giữa các dân tộc được thể hiện trong nhiều điều luật, trong đó có Điều 42, Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.

Sách giáo khoa tiếng dân tộc Thái được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân 

Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách về dạy và học tiếng dân tộc như: Quyết định số 53/CP ngày 22/2/1980 của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc, quy định: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc” và Nhà nước thực hiện chính sách “Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết”

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nhờ hệ thống các văn bản pháp quy được ban hành đồng bộ và sự chỉ đạo sâu sát, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy học tiếng dân tộc được mở rộng về quy mô và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện khá đồng bộ, tập trung ở các vùng có đông người dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông được duy trì và mở rộng về quy mô với 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số gồm: Mông, Ê-đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Khmer.

Đến năm học 2019 - 2020, việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện tại 22 tỉnh, thành phố với quy mô 756 trường, 5.267 lớp, gần 175 nghìn học sinh, so với năm học 2014 – 2015, tăng trên 50 nghìn học sinh.

Bên cạnh 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số chính thức được dạy, có 9 thứ tiếng dân tộc thiểu số đang được 16 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai dạy thực nghiệm trong trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, gồm: tiếng Hoa, Chăm Arbic, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều, Tày, Nùng, Xtiêng.

Em Kpă Thảo, người Gia Rai, ở xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai rất hào hứng với việc học tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Kpă Thảo cho biết học tiếng dân tộc giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và cuộc sống.

Theo TS. Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành công lớn nhất là đã triển khai hiệu quả chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề dân tộc nói chung và ngôn ngữ dân tộc nói riêng. So với nhiều quốc gia trên thế giới, việc quan tâm đến ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua hệ thống chính sách hoàn thiện về dạy học tiếng dân tộc như Việt Nam là không nhiều. Đó là chưa kể Việt Nam đã đi sớm hơn so với nhiều quốc gia khác (kể cả một số nước phát triển) về chính sách ngôn ngữ dân tộc và dạy học tiếng dân tộc.

Dạy học tiếng dân tộc đã đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người dân tộc thiểu số. Dạy tiếng dân tộc là dạy ngôn ngữ, dạy văn hoá, dạy tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Hơn thế, dạy tiếng dân tộc đã góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh. Dạy tiếng dân tộc là một giải pháp  thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong cuộc sống - TS. Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm.

Quang Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực