Ba Trại: Thúc đẩy quyền có việc làm cho người dân tộc thiểu số

Thứ hai, 13/11/2023 14:03
(ĐCSVN) - Câu chuyện từ xưởng may và trại chăn nuôi lợn của chị Vũ Thị Hường (xã Ba Trại, huyện miền núi Ba Vì, Thành phố Hà Nội) cho thấy, ở Việt Nam, người lao động dân tộc thiểu số có quyền tự do lựa chọn công việc, có môi trường làm việc công bằng như người lao động dân tộc khác, được trả lương, hoặc tiền công để giúp họ trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình…

Ở xã Ba Trại, huyện miền núi Ba Vì, thành phố Hà Nội, ai cũng biết xưởng may Hường Tự của gia đình chị Vũ Thị Hường.

Chị Hường là người dân tộc Kinh, lấy chồng về sinh sống tại Thôn 1. Xưởng may của chị chuyên gia công một số công đoạn cho các công ty may lớn ở huyện Phúc Thọ, cách xã Ba Trại chừng 40 km.

Chị Hường chia sẻ, 100% lao động trong xưởng may là nữ. Mở xưởng may ở vùng nông thôn nên không thể khắt khe với người lao động về giờ giấc được, vì chị em có con nhỏ còn phải đưa đón con đi học; cho lợn, gà, trâu, bò ăn; những ngày mùa vụ còn phải làm việc đồng áng trước rồi mới đến xưởng được. Để tạo điều kiện cho người lao động, chị Hường áp dụng hình thức khoán sản phẩm. Chị em có thể mang việc về nhà làm.

Ở xưởng may của chị Vũ Thị Hường, người lao động không phân biệt thành phần dân tộc đều có môi trường làm việc công bằng như nhau (Ảnh: Phương Liên) 

Chị Đinh Thị Duyên, người dân tộc Mường là một trong 4 lao động người dân tộc thiểu số của xưởng may. Mức thu nhập mà chị Duyên nhận được là 5 triệu đồng, nếu đảm bảo đủ 22 ngày công trong tháng. Khoản tiền này đủ để chị chi cho mấy đứa con đang đi học mầm non và tiểu học.

Tại xưởng may, chị Duyên và những người thợ may dân tộc thiểu số khác không bị phân biệt đối xử mà làm chung trong một môi trường, điều kiện làm việc như những người thợ dân tộc Kinh. 

Ngoài xưởng may, chị Hường còn làm trang trại nuôi lợn. Trong 3 cặp vợ chồng làm thuê có một cặp là người dân tộc thiểu số. Đó là vợ chồng anh, chị Vàng Văn Ngọc, Hoàng Thị Chính, dân tộc Nùng ở thôn Cốc Phú, xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Để lại 4 đứa con cho ông bà nuôi, vợ chồng anh Ngọc, chị Chính nhận trông nom trại lợn với mức tiền công 13 triệu đồng/tháng, không tính chi phí ăn uống hàng ngày.

Tiền công hàng tháng, ngoài gửi một phần về cho bố mẹ nuôi các cháu, anh chị quyết tâm dành dụm để trả nợ món tiền vay mượn làm căn nhà gỗ hồi đầu năm.

Trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), thì quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm và được có các điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi, được bảo vệ chống thất nghiệp, được trả lương bình đẳng cho những công việc tương đương, được trả công công bằng và thích đáng đã được các quốc gia thành viên cam kết thực hiện.

Cụ thể hoá tinh thần của Công ước CERD, pháp luật Việt Nam tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy việc tạo ra một môi trường mà mọi người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng đều có thể có việc làm.

Theo Hiến pháp 2013, quyền tự do làm việc là quyền cơ bản của công dân. Có việc làm để có thu nhập phục vụ nhu cầu của mỗi người, đồng thời cũng là tiêu chí để đánh giá một đất nước, một xã hội phát triển.

Tại Điều 35, Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

Câu chuyện từ xưởng may và trại chăn nuôi lợn của chị Vũ Thị Hường cho thấy ở Việt Nam, người lao động dân tộc thiểu số có quyền tự do lựa chọn công việc, có môi trường làm việc công bằng như người lao động dân tộc khác, được trả lương, hoặc tiền công để giúp họ trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình…

Bà Bạch Tố Uyên, dân tộc Mường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trại cho biết, Hội đã chủ động cụ thể hoá quy định của Hiến pháp 2013 trong điều kiện đặc thù xã có 40% dân số là người Mường.

Để tạo điều kiện cho phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng có việc làm, phát triển kinh tế, Hội đã chủ động khai thác, quản lý tốt nguồn vốn do Hội trực tiếp quản lý và phối hợp quản lý. Năm 2022, Hội đã giải ngân số vốn 2,6 tỷ đồng cho 22 hộ vay. Quản lý chặt chẽ vốn vay tại 12 tổ, 459 hộ. Bên cạnh đó, Hội giới thiệu 68 lao động nữ/85 người vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; hỗ trợ 02 phụ nữ khởi sự kinh doanh với số tiền 110 triệu đồng...

6 tháng đầu năm 2023, Hội chủ động khai thác các nguồn vốn nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với số dư nợ 34,8 tỷ đồng, cho 786 hội viên vay phát triển kinh tế (tăng 2,5 tỷ đồng so với cuối năm 2022). 100% tổng số hội viên tham gia mô hình tiết kiệm được trên 202 triệu đồng, cho 41 hội viên vay để phát triển kinh tế gia đình.

Phối hợp với HTX, Khuyến nông, Hội Nông dân tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa chiêm xuân, chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa, chăn nuôi gà, trồng rau hữu cơ, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng và phát triển thương hiệu OCOP đối với sản phẩm chè búp khô cho 70 hội viên phụ nữ.

Hội Phụ nữ xã phối hợp giới thiệu việc làm cho 72 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài  địa bàn như Công ty may Tây Hà, xưởng xẻ, Công ty Cây xanh Hà Nội (trong đó 75% là nữ, đạt 240% kế hoạch năm); Hỗ trợ 02 phụ nữ khởi sự kinh doanh với số tiền 4 triệu đồng, để mua máy may công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập tại nhà, đạt 100% kế hoạch năm.

Bằng các biện pháp hỗ trợ, Hội đã giúp 10/10 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ bằng các hình thức như hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ ngày công, con giống, kiến thức ... để phát triển kinh tế gia đình và giúp thoát cận nghèo có địa chỉ.

Những hành động thúc đẩy quyền có việc làm của người dân đã góp phần để Ba Trại ngày càng phát triển bền vững.

Thu Trà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực