Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 08/11/2023 21:23
(ĐCSVN) - Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, từ đó bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp.

Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.

Trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc quy định: mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc đều có các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó có quyền được tiếp cận dịch vụ xã hội. Quyền tiếp cận thông tin thuộc nhóm quyền kinh tế, văn hoá, xã hội.

Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên xác định quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể hóa Hiến pháp, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực.

Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016. Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.

Những nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định tại Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin 2016 như sau: 1) Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. 2) Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. 3) Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. 4) Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. 5) Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. 6) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Phụ nữ các dân tộc thiểu số ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin về phòng chống mua bán người qua biên giới 

Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách như: cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2012 - 2015; quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và tuyên truyền các vùng biên giới, vùng biển, đảo của Việt Nam đến năm 2020; Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo năm 2019 - 2020; Chính sách “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Dự án “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” và một số văn bản khác về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình, hoạt động của điểm bưu điện văn hoá xã…

Kết quả là từ năm 2016 - 2021, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ cung cấp cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, kênh VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên cập nhật, tuyên truyền về công tác dân tộc trên 4 loại hình báo chí của Đài: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở đã đầu tư nâng cấp cho 682 đài truyền thanh xã, 67 đài truyền phát thanh - truyền hình huyện và trạm phát lại truyền hình; cung cấp 66 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở; cung cấp 370 bộ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng và các đồn biên phòng…

Tỷ lệ xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng đã đạt trên 98%; có hơn 3.000 điểm truy nhập viễn thông công cộng cho người dân. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp địa bàn miền núi. Có hơn 16 nghìn điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Các nhà xuất bản đã xuất bản trên 1.200 đầu sách với gần 11,3 triệu bản phục vụ cho đồng bào dân tộc. Ngoài ra còn xuất bản tờ rơi, tờ gấp… cung cấp thông tin cho huyện miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, các trường phổ thông dân tộc nội trú. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách 600 triệu đồng để thực hiện chính sách trợ cước vận chuyển xuất bản phẩm lên miền núi.

Bên cạnh đó, ngành Thông tin và Truyền thông đã đào tạo nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng cho hơn 3.000 nhân viên hướng dẫn sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tích cực phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo để cung cấp dịch vụ viễn thông và internet nhằm giảm bớt chênh lệch về khoảng cách sử dụng dịch vụ và tiếp cận thông tin giữa các vùng miền. Hiện nay, đã có đường truyền dẫn cáp quang, dịch vụ thông tin di động đến 100% xã trong toàn quốc.

Việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp.

Thái Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực