Bước chuyển ở vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao

Thứ tư, 15/11/2023 14:16
(ĐCSVN) - Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện từ năm 2011 tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, kết thúc vào năm 2020 đã làm thay đổi rất đáng kể đời sống kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số được thụ hưởng.

Bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - nơi có đông người Cống sinh sống nay đã được đầu tư tuyến Quốc lộ 4H đi qua bản, được xây dựng các công trình trường mầm non, trường tiểu học kiên cố, được đầu tư đường bê tông nội bản, có điện lưới quốc gia.

Nhà văn hoá xã Nậm Kè được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, người Cống nói riêng trên địa bàn (Ảnh: Phương Liên)

Trưởng bản Lò Văn Thắng cho biết, các hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở vững chãi, không còn hộ nào phải sống trong nhà tranh tre dột nát; được hỗ trợ làm nhà vệ sinh, cấp nước sinh hoạt. Về y tế, được cấp đủ cơ số thuốc cho tủ thuốc của bản, trẻ sơ sinh được hỗ trợ dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và sau sinh được trợ cấp.

Đời sống văn hoá, tinh thần của bà con được chăm lo. Các hộ được hỗ trợ mua radio. Bản đã được hỗ trợ một lần trang bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục và sản xuất các nhạc cụ, trang phục truyền thống; hỗ trợ duy trì các hoạt động của đội văn nghệ bản. Bà con được xem chiếu phim lưu động và biểu diễn văn nghệ; hỗ trợ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao, lễ hội truyền thống…

Mừng nhất là 100% các hộ đều đã có đất sản xuất, được hỗ trợ cây, con giống nên bà con tích cực canh tác lúa nước, giảm diện tích lúa nương, nuôi nhiều gia súc, gia cầm, chị Hù Thị Thêm phấn chấn nói.

Gia đình anh Lò Văn Chiến, dân tộc Mảng ở bản Nậm Nó 2, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu giờ có 10 con trâu, 10 con bò, chưa kể hàng chục con gia cầm. Khối tài sản đó là thành quả của quá trình tích cực học hỏi kiến thức, kinh nghiệm phát triển sản xuất, chăn nuôi do các cơ quan, ban ngành chức năng của địa phương hướng dẫn và tự học qua các phương tiện thông tin đại chúng. Giờ thì nguồn thu vài chục triệu đồng từ chăn nuôi mỗi năm đã giúp cuộc sống của gia đình anh ngày càng ổn định, có điều kiện chăm lo con cái học hành.

Không chỉ gia đình anh Chiến, cuộc sống của hơn 4.000 người dân tộc Mảng ở các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì cũng đang có sự đổi thay rõ rệt. Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, tại các khu vực có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, từ đường giao thông, trường, trạm đến nước sản xuất, nước sinh hoạt. Bà con được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người Mảng ngày càng được nâng cao.

Cộng đồng dân tộc Cờ Lao hiện có 505 hộ, sinh sống tại 44 thôn, 22 xã, thuộc 7 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Hà Giang đã đầu tư xây dựng 10 công trình với tổng kinh phí gần 51 tỷ đồng, gồm: 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình điện sinh hoạt, 1 công trình cấp nước, 4 công trình giao thông nông thôn; đồng thời bố trí kinh phí gần 19,4 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, kéo điện hộ gia đình, xây khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, đào tạo nghề, cấp tủ thuốc cho thôn, bản, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, mua sắm trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp máy thu thanh hộ gia đình, mua sắm nhạc cụ, trang phục dân tộc, duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống; lắp đặt trạm truyền hình không dây, hỗ trợ bình đẳng giới.

Ông Cáo Mình Vảng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Cờ Lao thôn Xà Ván, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh phấn khởi nói, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Hà Giang đã giúp cộng đồng dân tộc Cờ Lao vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa và ổn định cuộc sống.

 Niềm vui ngày đi học của trẻ em mầm non xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang (Ảnh: CTV)

Những đổi thay đó là kết quả của một chính sách dân tộc được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2011 với tên gọi là Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg.

Đề án  được triển khai thực hiện từ năm 2011 - 2020 tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang.

Bốn dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao thuộc nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người), sinh sống chủ yếu ở các khu vực rừng phòng hộ, đầu nguồn tại tỉnh Hà Giang và dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Địa bàn sinh sống của đồng bào là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa; kết cấu hạ tầng thiếu và lạc hậu; tỉ lệ hộ nghèo cao; tập quán sinh hoạt lạc hậu còn tồn tại dai dẳng, điều kiện sống phụ thuộc vào thiên nhiên.

Đề án được ban hành hướng đến mục tiêu đặt ra là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia.

Thực hiện Đề án, từ năm 2013 - 2020, ngân sách Trung ương đã cấp hơn 503 tỷ đồng cho 3 tỉnh để triển khai đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, thuỷ lợi, cầu treo…; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; lắp đặt truyền thanh không dây; duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn bản, chiếu phim lưu động; hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới; tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm…

Theo Ủy ban Dân tộc, nguồn vốn đầu tư của đề án đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế của vùng DTTS Mảng, Cờ Lao, La Hủ, Cống. Đó là, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và thay đổi phương thức sản xuất cũ bằng phương thức sản xuất mới dựa trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, tiến tới phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa gắn với thị trường; tăng cường giao lưu kinh tế giữa vùng dân tộc thiểu số rất ít người với các khu vực xung quanh; tạo điều kiện cho con em người dân tộc thiểu số đến trường; góp phần củng cố lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ vững chủ quyền biên giới./.

Trần Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực