Quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong tham gia tố tụng

Thứ ba, 07/11/2023 14:15
(ĐCSVN) - Trong các hoạt động tố tụng có liên quan đến người dân tộc thiểu số, nếu đương sự không nói được tiếng phổ thông thì các cơ quan chức năng đều bố trí người phiên dịch, bảo đảm cho đương sự thể hiện được yêu cầu, nguyện vọng của mình, cũng như trình bày các lý lẽ, căn cứ bằng ngôn ngữ của dân tộc mình làm cơ sở cho yêu cầu, nguyện vọng đó.

Theo đề nghị của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi về việc cử người phiên dịch tiếng dân tộc tham gia phiên tòa sơ thẩm, ngày 28 tháng 11 năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã cử ông Đinh Văn Yên, Phó Chánh Văn phòng tham gia phiên dịch tiếng Hre.

Vừa qua, tại Phân trại số 2, Trại giam số 5 - Bộ Công an, Toà án nhân dân huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện tổ chức phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Lầu A Tủa, sinh năm 1990, trú tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La phạm tội “Trốn khỏi nơi giam” theo quy định tại khoản 1 Điều 386 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo là người dân tộc Mông không thông thạo tiếng Kinh nên phiên tòa còn có người tham gia tố tụng là người phiên dịch, trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Kiểm sát viên kiểm sát việc mở niêm phong, cân tịnh xác định trọng lượng ma túy trong vụ án bị can là người dân tộc thiểu số (Ảnh: CTV) 

Việc có người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số tại phiên toà xét xử như các ví dụ nêu trên xuất phát từ quy định tại Điều 42 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, tại Điều 12 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 quy định: Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án. Điều 15 nêu rõ: Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt. Tòa án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án nhân dân, trường hợp này phải có phiên dịch.

Điều 20 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này phải có người phiên dịch”.

Điều 29 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này phải có phiên dịch”. Tương tự, Điều 21 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 cũng quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hành chính là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này phải có người phiên dịch”.

Các nguyên tắc này được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam chính là bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và luật do Quốc hội ban hành, góp phần tăng cường tính thống nhất của pháp chế.

Nguyên tắc này có ý nghĩa chính trị - xã hội và thực tiễn to lớn. Về bản chất,  nguyên tắc này là biểu hiện của sự công bằng, bình đẳng của mọi công dân, không phân biệt thành phần dân tộc trước pháp luật.

Người tiến hành và tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Quy định này tạo điều kiện cho họ có khả năng tích cực sử dụng các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật dành cho mình để tham gia vào quá trình xem xét, giải quyết vụ án.

Các văn bản theo luật cần tống đạt cho những người tham gia tố tụng phải được dịch ra ngôn ngữ dân tộc mà người đó sử dụng. Việc được sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng giúp bị can, bị cáo, đương sự thể hiện được yêu cầu, nguyện vọng của mình, cũng như trình bày các lý lẽ, căn cứ  làm cơ sở cho yêu cầu, nguyện vọng đó. Bên cạnh đó là nâng cao khả năng tự bào chữa cho bị cáo.

Khi bị can, bị cáo, đương sự được sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tạo ra sự bình đẳng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp đích thực của họ. Tự bào chữa của bị cáo là trong những điều kiện để Toà án xác định chân lý khách quan của vụ án. Từ đó có những phán quyết hợp tình, hợp lý, có căn cứ đối với bị cáo nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa đối với mọi người tham gia phiên toà xét xử.

Cơ quan tiến hành tố tụng trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo (đặc biệt là bị can, bị cáo chưa thành niên) không thành thạo tiếng Việt cần triệu dụng người phiên dịch để phiên dịch cho những người tham gia tố tụng đặc biệt này. 

Bị can, bị cáo, đương sự có quyền thông qua người phiên dịch tìm hiểu hồ sơ, tham gia vào các hoạt động tố tụng và phát biểu trong phiên toà bằng tiếng nói của dân tộc mình. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo điều kiện để họ thực hiện quyền dùng tiếng nói và chữ viết mà họ thông thạo.

Việc quy định người phiên dịch tại phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giúp bị can, bị cáo, đương sự không biết hoặc biết nhưng không thành thạo tiếng Việt, nói cách khác là không sử dụng được tiếng Việt có thể thay mặt đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó; Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định./.

Hoàng Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực