Bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số được tiếp cận khoa học - công nghệ

Thứ năm, 26/10/2023 19:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nắm bắt được xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ đối với mọi lĩnh vực của đời sống, nên Việt Nam đã tập trung nguồn lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với khoa học - công nghệ, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng Kỹ thuật điều khiển và Hệ thống nhúng, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là người có kinh nghiệm hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) lâu năm, đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một số nội dung xoay quanh chủ đề phát huy vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng Kỹ thuật điều khiển và Hệ thống nhúng, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 

Phóng viên: Là một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, theo Tiến sĩ, KH&CN có vai trò như thế nào trong phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN)?

TS. Phạm Ngọc Minh: Điều 4, Luật Khoa học và Công nghệ quy định các nhiệm vụ của hoạt động KH&CN gồm:

1. Xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hoá, khoa học của thế giới.

2. Nâng cao năng lực KH&CN để làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; kịp thời dự báo, phòng, chống, hạn chế và khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Tiếp thu thành tựu KH&CN của thế giới để tạo ra, ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới; tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao; phát triển nền KH&CN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận với trình độ thế giới, làm cơ sở vững chắc cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh việc phổ biến và ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Soi vào các nhiệm vụ trên của hoạt động KH&CN và thực tế những năm qua cũng đã chứng minh vai trò to lớn của hoạt động KH&CN đối với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Ví dụ, như tôi được biết, Chương trình nông thôn miền núi phục vụ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2011 - 2015 đã triển khai 317 dự án tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 198 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN (chiếm 62,25%).

Tiếp theo, trong giai đoạn 2016 - 2025, thì đến năm 2020, đã triển khai 402 dự án tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 243 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN (chiếm 60,44% số nhiệm vụ của Chương trình).

Các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình đã nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KH&CN mang lại; hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, chậm phát triển, DTTS ít người…

Đồng bào DTTS sống chủ yếu nhờ nguồn lợi do sản xuất nông, lâm nghiệp mang lại. Do đó, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS&MN, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào trồng trọt tiêu biểu như: Xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; sản xuất nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc Raglai huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; mô hình nhân giống, trồng thâm canh, cải tạo, chế biến chè Shan tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gạo đặc sản địa phương Khẩu Ký, Tẻ Râu, tỉnh Lai Châu; công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và hồ tiêu tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai; mô hình nuôi bò thịt tại một số tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; mô hình nuôi vỗ béo bò vàng tại các huyện vùng Cao nguyên đá Hà Giang; phát triển đàn dê tại A Lưới, Thừa Thiên Huế…

Các dự án ứng dụng KH&CN phục vụ đời sống và sản xuất như: công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng DTTS tỉnh Ninh Thuận; công nghệ xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào DTTS tỉnh Lai Châu…

Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo; đã chọn tạo được nhiều bộ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, trong đó có nhiều giống bản địa có nguồn gốc từ các vùng DTTS&MN.

Các kết quả của Chương trình đã hỗ trợ phát triển các sản phẩm, hàng hoá có lợi thế của các vùng, hình thành các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn và miền núi.

Nhờ vai trò của KH&CN, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS&MN thời gian qua đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Phóng viên: Được biết, Tiến sĩ từng trực tiếp làm chủ nhiệm hoặc tham gia thành viên một số đề tài KH&CN ở vùng DTTS&MN. Tiến sĩ có thể cho biết các đề tài đó tập trung vào những nội dung gì và triển vọng đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa bàn triển khai?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ thông tin, thời gian qua, chúng tôi đã nghiên cứu, triển khai thử nghiệm thành công một số đề tài KH&CN ở vùng DTTS&MN.

Có thể kể đến đề tài: Ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing) để giám sát tự động một số thông số chất lượng nước nuôi trồng thủy sản trên diện tích lớn; phân tích và cảnh báo sớm các biến động của môi trường nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản tại tỉnh Ninh Thuận; tới đây dự kiến sẽ triển khai tại tỉnh Bến Tre, Tuyên Quang.

Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra khá sôi động, song nhiều hộ dân, nhiều doanh nghiệp nuôi trồng đang đối mặt với nguy cơ rủi ro cao do dịch bệnh mà nguyên nhân chủ yếu là vì nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Việc quan trắc tự động thường xuyên tại các vùng nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường ao nuôi. Từ các kết quả quan trắc này, cơ quan quản lý cũng dễ dàng đánh giá tác động môi trường của các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Hoặc thời gian qua, chúng tôi đã thành công trong việc chuyển giao ứng dụng công nghệ đèn chiếu sáng và hệ thống tự động hóa vào quá trình nhân giống và nuôi trồng Lan Hồ điệp trên cơ sở công nghệ mạng truyền thông không dây, công nghệ chiếu sáng đèn LED và công nghệ điện toán đám mây tại Trang trại Đồng Ho của Công ty Cổ phần Phát triển Agri-Tech, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh nhằm tạo ra cây Lan Hồ điệp có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với Lan Hồ điệp sản xuất tại nước ngoài.

Viện cũng đã nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ nghiên cứu thiết kế và ứng dụng biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động trên nền công nghệ IoT ứng dụng thực tế tại nhiều tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai và Phú Thọ. Kết quả cho thấy biển báo báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động đáp ứng được yêu cầu của ngành Kiểm lâm trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống dự báo cháy rừng…

Trong thời đại công nghệ số, KH&CN đang phát triển như vũ bão, chúng tôi rất mong muốn cùng các địa phương vùng DTTS&MN đưa càng nhiều càng tốt thành tựu KH&CN vào đời sống và sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, mang lại giá trị cao, góp phần tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao cuộc sống cho đồng bào. 

Phóng viên: Mặc dù không thể phủ nhận vai trò, đóng góp to lớn của KH&CN với sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS nhưng có lẽ cái khó hiện nay là khả năng ứng dụng vì thông thường, công nghệ luôn đắt đỏ so với năng lực kinh tế của địa phương, của đồng bào DTTS. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh: Đúng là công nghệ nào càng có khả năng tạo ra giá trị, hiệu quả cao thì công nghệ đó càng có xu hướng đắt đỏ. Chẳng hạn, tôi được biết, để trồng 1 ha sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cần đầu tư khoảng 3 tỷ đồng trong 8 năm (chưa kể hạ tầng giao thông). Suất đầu tư này là quá lớn so với các hộ đồng bào DTTS. Đó là chưa kể sản xuất nông nghiệp luôn chịu rủi ro lớn hơn so với nhiều ngành sản xuất khác.

Tuy nhiên, nếu không đưa KH&CN vào phát triển KT-XH vùng DTTS&MN thì không thể giải quyết được vấn đề nghèo đói ở khu vực này. Vì vậy, tôi cho rằng, để nâng cao khả năng ứng dụng KH&CN vào đời sống, sản xuất vùng đồng bào DTTS&MN thì nghiên cứu KH&CN phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn phong phú ở các vùng DTTS&MN trong cả nước. Có như vậy, các công trình KH&CN mới tránh được tình trạng “cất vào ngăn kéo” mà có cơ hội phát huy hiệu quả, tích cực các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học; đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề đang đặt ra cấp thiết, cần thiết trong cuộc sống và trong sản xuất của đồng bào.

KH&CN có tính chất mở đường, song trong bối cảnh còn nhiều khó khăn ở vùng DTTS&MN, để nâng cao khả năng ứng dụng, tôi nghĩ rằng nên chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, các phát minh, sáng chế có tính thực tiễn, mức kinh phí phù hợp với yêu cầu và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người DTTS và vùng, miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng, trên nguyên tắc: “lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển KT-XH, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học và công nghệ là giải pháp”.

Phóng viên: Vậy với các cơ chế, chính sách hiện nay, Tiến sĩ bình luận thế nào về cơ hội để KH&CN tham gia hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển KT-XH vùng DTTS&MN?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh: Vai trò của KH&CN đối với sự nghiệp phát triển KT-XH vùng DTTS&MN là rất quan trọng, nhất là khi vùng DTTS&MN đang còn tồn tại “5 nhất”: điều kiện KT-XH khó khăn nhất, cơ sở hạ tầng thấp kém nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Phát triển KT-XH vùng DTTS&MN là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Khoá XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định một nhiệm vụ và giải pháp là: “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.  

KH&CN và đổi mới sáng tạo cũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong các khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Trong Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của nước ta có quan điểm: “Phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực KT-XH, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh”.

Như vậy, giữa nhiệm vụ chiến lược phát triển KT-XH vùng DTTS&MN với giải pháp đột phá chiến lược về KH&CN, đổi mới sáng tạo có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong những năm tới.

Mở đường cho mối quan hệ này phát huy hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ năm 2022, tại Điều 64 đã quy định rõ các chính sách thuế đối với hoạt động KH&CN, trong đó khoản 7 Điều này nêu: “Chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn KT-XH khó khăn, địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn” thuộc trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Ngoài ra, còn có các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với hoạt động KH&CN.

Đây là một bước tiến trong hoạt động lập pháp trên quan điểm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, để KH&CN tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế, đặc biệt là giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ở địa bàn KT-XH khó khăn, địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn vốn đang tồn tại chủ yếu tại vùng DTTS&MN.

Tôi cho rằng chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động KH&CN ở vùng DTTS&MN, nhất là hoạt động xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giải pháp KH&CN dựa trên nền tảng văn hoá, tri thức truyền thống của đồng bào DTTS sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, đem lại hiệu quả thiết thực về cơ hội việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 88/NQ-QH14 của Quốc hội khoá XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN và Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội.

Phóng viên: Cảm ơn Tiến sĩ!

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực