Chị Lý Thị Thu là Tiến sĩ Chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện đang công tác tại Khoa Cơ bản và Lý luận chính trị, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải). Tiến sĩ Lý Thị Thu là người dân tộc Nùng.
Hơn 20 năm nghiên cứu, giảng dạy, Tiến sĩ Lý Thị Thu đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về quyền của người dân tộc thiểu số cũng như Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam là thành viên từ năm 1982.
Tiến sĩ Lý Thị Thu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về việc bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
|
Tiến sĩ Lý Thị Thu, Giảng viên Khoa Cơ bản và Lý luận chính trị, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) |
Phóng viên: Sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ có thể khái lược về quyền của người dân tộc thiểu số đã được ghi nhận như thế nào trên thế giới?
Tiến sĩ Lý Thị Thu: Quyền của dân tộc thiểu số là một trong những quyền cơ bản của con người, được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận và xếp trong nhóm các quyền dân sự - chính trị, là quyền rất căn bản mà các nhóm dân tộc thiểu số ở tất cả các quốc gia đều có quyền được hưởng, được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR) năm 1948: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội” (Điều 2) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3).
Đây là hai văn kiện pháp lý quốc tế nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền dân tộc thiểu số được coi là quyền cơ bản trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó.
Ngoài ra, Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ 1992 nêu: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ, và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này” (Điều 1).
Phóng viên: Vậy giữa quyền con người với quyền dân tộc tự quyết và chủ quyền quốc gia có mối quan hệ như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Lý Thị Thu: Trong toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử, quyền con người luôn gắn liền mật thiết với quyền dân tộc tự quyết và chủ quyền quốc gia.
Ở cấp độ quốc tế, quyền dân tộc tự quyết được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc và được nhấn mạnh trong các văn kiện quốc tế, rằng: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết... Khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người”.
Vì vậy, không một quốc gia, không một tổ chức nào được phép tự coi mình là đại diện cho quyền con người toàn nhân loại, sử dụng cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hay “nhân quyền không biên giới” nhằm can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền, bởi đó là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền con người.
|
Một lớp học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Tùng (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) |
Đối với Việt Nam, thực tiễn lịch sử cho thấy, khi mất chủ quyền thì người dân không có tự do, dẫn đến các quyền con người bị chà đạp. Do đó, để giành quyền tự do của mỗi cá nhân thì trước hết phải giành quyền tự do cho cả dân tộc. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nền tảng, là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền con người.
Chỉ đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, địa vị của người dân Việt Nam mới được thay đổi. Từ nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, các quyền công dân của người Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 1946.
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, hiện nay, Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây chính là biểu hiện cao nhất và cụ thể nhất của quyền con người Việt Nam, của sự khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Phóng viên: Tiến sĩ nhận xét thế nào về hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam?
Tiến sĩ Lý Thị Thu: Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng đan xen. Người dân tộc thiểu số chiếm 14,68% tổng dân số cả nước.
Những quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số được các văn kiện quốc tế ghi nhận thuộc các nhóm quyền dân sự, chính trị, kinh tế. Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật với việc ban hành hàng loạt các văn bản luật, quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước (Điều 5).
Đồng bào dân tộc thiểu số là các công dân Việt Nam, được hưởng quyền của “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, được hưởng đầy đủ các quyền theo luật định.
Bên cạnh đó, do những yếu tố đặc thù về trình độ phát triển và đặc điểm kinh tế - văn hóa, hệ thống pháp luật còn quy định thêm những điều khoản cụ thể hay chính sách có liên quan nhằm bảo đảm cơ chế thực thi để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các quyền này.
Quy định về quyền của các dân tộc thiểu số thể hiện rõ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là mục tiêu, động lực của công cuộc phát triển đất nước.
Bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người… nhằm bảo đảm quyền và thúc đẩy thực thi quyền cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có một lưu ý là việc thực hiện dân chủ và quyền con người còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, trước hết là trình độ phát triển kinh tế và điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi dân tộc trên tất cả các phương diện của đời sống.
Các nước có chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, không thể lấy quan niệm, thực tiễn của nước này, của dân tộc này về dân chủ và quyền con người áp đặt cho dân tộc khác, nước khác. Do đó, xây dựng và thúc đẩy đối thoại trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền có ý nghĩa tích cực, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng với các đối tác quốc tế trong vấn đề quyền con người.
Qua đối thoại cũng nhằm bác bỏ những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các nhóm, cá nhân cực đoan trong và ngoài nước về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Việt Nam tích cực đăng cai tổ chức các hội thảo quốc tế để các nhà chính trị và các nhà khoa học tham dự và thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền con người; mở rộng quan hệ quốc tế trong nghiên cứu và thực thi quyền con người.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, coi trọng và thúc đẩy các quyền con người, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một trong những minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
|
Điệu múa bát của đồng bào Tày huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn |
Có thể khẳng định, việc thực thi hiệu quả, đồng bộ những chính sách bảo đảm quyền của người DTTS trong thời gian qua đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự.
Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trong đó có việc bảo đảm quyền của các DTTS sẽ tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục tăng lên là yếu tố nền tảng đề hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Phóng viên: Với tư cách là một người dân tộc thiểu số, bằng những trải nghiệm của bản thân, đề nghị Tiến sĩ cho biết những cảm nhận của cá nhân về việc có được đối xử bình đẳng trong cuộc sống, lao động, học tập, nghiên cứu khoa học và trong công tác?
Tiến sĩ Lý Thị Thu: Trong các bản hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ đều ghi nhận và khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc. Hiến pháp năm 2013 khi đề cập đến quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã khẳng định: “Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5). “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16).
Bình đẳng có nghĩa là cơ hội trước mọi người là bình đẳng. Trong nhiều trường hợp, cơ hội quyết định vận mệnh, đem đến sự thành công cho con người. Do đó, mọi người dù thuộc dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số đều có quyền tham dự, bày tỏ ý kiến, đóng góp bằng hành động thực tế vào quá trình xây dựng đất nước; đồng thời có quyền lựa chọn, cạnh tranh bình đẳng trước các cơ hội phát triển bản thân.
Cá nhân tôi là người dân tộc Nùng, từ khi đi học, đi làm, trong môi trường giao tiếp xã hội hay trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học đều được bình đẳng như những công dân khác thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau.
Tôi cũng được đối xử công bằng về quyền lợi và công bằng về cơ hội, được bình đẳng trong chính trị, kinh tế và xã hội. Tôi nhận thấy, hiện nay tầng lớp trí thức là người dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều cơ hội đóng góp và cống hiến vào sự nghiệp chung của đất nước, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên phát triển về mọi mặt. Điều đó là một trong những minh chứng cụ thể bảo đảm và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!