Chăm sóc tốt hơn thể trạng trẻ em dân tộc thiểu số

Thứ hai, 09/10/2023 18:04
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn cả về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất.

Những con số “biết nói”

Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019 cho hay, trong 3 trẻ dân tộc thiểu số có 1 em thấp còi (tỷ lệ 33,3%) và trong 5 em có 1 em nhẹ cân (tỷ lệ 20%).

Về kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 - 2020, công bố năm 2021 theo bình luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vấn đề suy dinh dưỡng các thể vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, có dân tộc thiểu số sinh sống, bao gồm thiếu dinh dưỡng, thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, i-ốt.

Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên là những nơi có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất. Miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4% trẻ em suy dinh dưỡng. Một số nhóm dân tộc thiểu số rất ít người có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao: dân tộc Chứt 40%, Si La 21,7%; Bố Y 35%; La Ha 20%; Brâu, Rơ Măm 29,87%; Lô Lô 16,91%; Ơ-Đu 12%...

Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã từng đưa ra nhận định, Việt Nam là một trong 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng trẻ em.

Suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giảm chiều cao ở tuổi trưởng thành và suy giảm các chức năng khác sau này; là dấu hiệu chính đánh dấu quá trình phát triển đầu đời dẫn đến tăng trưởng kém và các hậu quả xấu khác.

Thời báo Tài chính Việt Nam dẫn kết quả điều tra ban đầu gần đây nhất của Dự án Alive&Thrive, FHI360 tại 11 tỉnh cho thấy, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp (khoảng từ 4% - 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở dân tộc thiểu số (khoảng từ 33% - 52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguyên nhân là do học vấn của bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa (dân tộc Thái, Mường); cai sữa sớm (dân tộc Tày, Nùng).

An toàn thực phẩm cũng là mối lo với đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện khí hậu và công nghệ chế biến sau thu hoạch nghèo nàn. Gần đây, có nhiều nghiên cứu về gia tăng tỷ lệ nhiễm vi nấm Aflatoxin trong thực phẩm ở vùng cao và mối liên quan giữa nhiễm Aflatoxin và thấp còi ở trẻ em.

Mặc dù một trẻ chỉ có thể được xác định là thấp còi khi đã 2-3 tuổi nhưng quá trình dẫn tới thấp còi có thể diễn ra từ thời kỳ bào thai. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ một số dân tộc thiểu số khám thai tại cơ sở y tế khá thấp: La Hủ 45,3%, La Ha 63,5%, Mảng 65,9%...

Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường chưa tốt cũng gián tiếp dẫn đến thấp còi. Hiện vẫn còn 11,4% hộ dân tộc thiểu số chưa sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Trong đó, một số dân tộc có tỷ lệ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh thấp: Vân Kiều 48,5%, Si La 48,3%, Cống 43,5%, Chứt 39,2%.

Còn 40,4% hộ dân tộc thiểu số chưa sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Tình trạng một số dân tộc thiểu số không có hố xí còn ở mức cao: La Hủ 41,7%; Raglay 47,9%, Mảng 55,9%, Si La 57,5%, Co 58,7%... Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh chưa trở thành thói quen trong một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất (Ảnh minh hoạ)

Chung tay hành động

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình).

Chương trình sẽ góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn cả về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất.

Một số dự án trong Chương trình có các mục tiêu nhằm đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; giải quyết các vấn đề về trẻ em; bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Cụ thể, đó là các Dự án 5: Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Tổ chức thực hiện Chương trình sẽ góp phần chăm sóc trẻ em dân tộc thiểu số tốt hơn cả về thể trạng, tri thức và kỹ năng; đồng thời, đảm bảo trẻ em được tiếp cận dịch vụ xã hội tốt nhất.

Ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Điều 42 Thông tư quy định một số nội dung hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù. Trong đó, trẻ sơ sinh thuộc các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tầm soát, điều trị theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định. Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ; Hỗ trợ 01 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh tối đa 500.000 đồng/trẻ.

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được hỗ trợ điều trị tối đa 03 triệu đồng/trẻ; Hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng công thức   cơm/cháo dinh dưỡng công thức ăn liền) cân đối hợp lý và sữa học đường cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ. Thời gian hỗ trợ theo số tháng thực tế đi học và hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng/trẻ.

Phổ cập giáo dục tiểu học, xóa đói giảm nghèo, giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em đều nằm trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi có thể góp phần đạt được các mục tiêu này thông qua việc tăng cường phát triển nhận thức, thành tích học tập, mức lương cao hơn ở tuổi trưởng thành và các chỉ số sức khỏe và sống còn khác đối với trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số.

Do đó, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cần là ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng bệnh tật, vì tương lai tươi sáng của các em và tăng cường phát triển kinh tế - xã hội tại vùng “lõi nghèo”, khó khăn nhất của cả nước hiện nay./.

Mạnh Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực