Đảm bảo quyền sống cho người dân - Nhìn từ chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước

Thứ ba, 10/10/2023 11:06
(ĐCSVN) - Đặt việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia trong bảo đảm quyền sống - một trong những quyền con người cơ bản càng thấy rõ Việt Nam luôn tôn trọng và nỗ lực đảm bảo các quyền con người cho người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng.

Ngày 13/9/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1049/QĐ-TTg xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 6 địa phương để hỗ trợ Nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2023.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 3.308,61 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 6 tỉnh: Lai Châu 471,975 tấn; Điện Biên 824,775 tấn; Hà Giang 386,16 tấn; Bắc Kạn 106,935 tấn; Đắk Lắk 585,6 tấn; Cao Bằng 933,165 tấn để hỗ trợ cho Nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2023.

Có thể thấy, danh sách 6 địa phương được hỗ trợ gạo trong thời gian giáp hạt đợt này đều có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông lâm nghiệp chiếm trên 50% cơ cấu nền kinh tế.

Các tỉnh này cũng có địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu sự ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, tác động của biến đổi khí hậu… làm cho đời sống của đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Làm thủ tục xuất cấp và bàn giao gạo dự trữ quốc gia tại tỉnh Tuyên Quang dịp Tết Nguyên đán 2023 (Ảnh: CTV) 

Đây không phải là lần đầu Chính phủ quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV (tháng 5/2023), năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp 16.893 tấn gạo hỗ trợ 24 tỉnh vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, cứu đói giáp hạt; năm 2022 hỗ trợ gần 22.326 nghìn tấn gạo cho 17 tỉnh, thành phố 379,8 nghìn hộ, với hơn 1,2 triệu nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói.

Tổng hợp từ năm 2021 đến năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 210.000 tấn gạo cứu đói cho 3,5 triệu hộ với gần 15 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai.

Xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia là một biện pháp của Chính phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội cơ bản, để người dân không bị thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán và khi giáp hạt, lúc thiên tai, mất mùa…

Đặt việc này trong bảo đảm quyền sống - một trong những quyền con người cơ bản càng thấy rõ Việt Nam luôn tôn trọng và nỗ lực đảm bảo các quyền con người cho người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng.

Ở góc độ tổng quát, có thể hiểu quyền con người là những quyền tự nhiên, được tạo hóa ban cho và vốn có của con người, không bị hạn chế hay phân biệt về quốc tịch, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc quốc gia hay dân tộc, màu da, ngôn ngữ hoặc bất kỳ một đặc điểm nào khác. Mọi người đều được hưởng quyền của mình một cách bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử. Quyền con người là quyền đương nhiên, gắn liền với con người kể từ khi sinh ra và không do sự ban phát của bất cứ chính thể nào.

Bảo đảm quyền con người là mục tiêu cốt lõi của Luật Nhân quyền quốc tế và là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của các Hiến pháp dân chủ trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ năm 1992, trong Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta đã khẳng định: “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”.

Những năm qua, cùng với nhân loại tiến bộ trên thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc khẳng định, làm rõ hơn quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

Hiến pháp 2013 - Hiến pháp hiện hành của Việt Nam đã dành Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Trong Chương II  có Điều 19:  “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Theo phân tích của các chuyên gia, quy định về quyền sống trong Hiến pháp 2013 là một quy định mới, hết sức tiến bộ, khẳng định Việt Nam luôn thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết quốc tế về nhân quyền đối với Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng khi nghiên cứu chế định về quyền sống trong Hiến pháp 2013 không nên hiểu quyền này theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng mà cần hiểu quyền này bao gồm cả các khía cạnh nhằm đảm bảo sự tồn tại của con người.

Phụ nữ xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế dùng gạo để thăm hội viên vừa sinh con nhằm giúp nhau đảm bảo cái ăn trong thời kỳ ở cữ (Ảnh: CTV) 

Trách nhiệm của Nhà nước là phải có những biện pháp để đảm bảo cho mọi người dân quyền được sống cuộc sống bình thường, được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển về thể chất, giảm tỷ lệ chết ở trẻ em, tăng tuổi thọ bình quân của người dân, xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng, các dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo…

Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.

Với cách định nghĩa này trong luật thì ăn là một nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu của mỗi người, mỗi gia đình. Trong lúc giáp hạt, hoặc khi rơi vào các tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa dẫn đến bị thiếu hụt lương thực, người dân cần được Nhà nước đảm bảo có đủ cái ăn để tồn tại, vì đó là vừa là nhu cầu thiết yếu, vừa là để cứu trợ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại các địa bàn khó khăn.

Nhìn ở những góc độ trên để thấy rằng, xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân lúc khó khăn không đơn thuần chỉ là việc “tích cốc phòng cơ” của một quốc gia mà còn là cách để Việt Nam bảo đảm quyền được sống, quyền được an sinh xã hội cho người dân - một yêu cầu, điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực