Điểm h, khoản 4, Điều 5 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) quy định: “Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí” thuộc nhóm các quyền dân sự.
Tham gia Công ước CERD từ năm 1982, Việt Nam có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí cho mọi người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số.
Là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực ban hành luật pháp thể hiện sự tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí cho mọi người dân.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
|
Ở Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí |
Quyền tự do ngôn luận là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới hình thức bằng lời nói, văn bản (viết tay hoặc đánh máy) hoặc dưới bản điện tử (email, facebook, zalo…) hoặc dưới hình thức khác (tranh vẽ, biểu diễn nghệ thuật…)
Về tự do báo chí, Điều 10 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Quyền tự do báo chí của công dân là sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in.
Tuy nhiên, cũng như các quyền khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
Báo chí là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, tức là công dân được phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác (Điều 11, Luật Báo chí năm 2016)
Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định trong Luật Báo chí. Trường hợp không đăng, phát phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến (Điều 12, Luật Báo chí năm 2016).
Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng (Điều 13).
Đây có thể coi là các quy định hết sức cởi mở, thông thoáng, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Tại khoản 1, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng khẳng định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin”.
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình (7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, 63 kênh truyền hình thiết yếu địa phương), 57 kênh nước ngoài.
|
Đã có gần 33 triệu ấn phẩm của 19 báo, tạp chí được chuyển tới gần 425 nghìn đối tượng thụ hưởng |
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).
Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.
Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và xã hội. Việc đời sống và nhận thức của người dân được nâng cao do điều kiện kinh tế thay đổi tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu phát triển các quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin. Nhu cầu phát biểu của công dân là cần thiết để qua đó bày tỏ quan điểm với Nhà nước, đồng thời Nhà nước có điều kiện lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Tại Việt Nam, nhiều năm qua, Chính phủ có chính sách đặt hàng một số ấn phẩm báo, tạp chí cấp không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN), vùng đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2019 - 2021, chính sách này được thực hiện theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thống kê của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì thực hiện chính sách, trong giai đoạn này, gần 33 triệu ấn phẩm của 19 báo, tạp chí được chuyển tới gần 425 nghìn đối tượng thụ hưởng.
|
Đồng bào dân tộc thiểu số được tự do bày tỏ quan điểm của mình với các nhà báo để phản ánh vào tác phẩm báo chí, giúp cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, điều chỉnh chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của bà con |
Các báo, tạp chí đã thực hiện hàng chục nghìn tin, bài tuyên truyền theo chuyên đề gắn với các sự kiện chính trị, nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc, chính sách dân tộc như: tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN; tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II; tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19; gương người tốt - việc tốt; khởi nghiệp, làm giàu; tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho đồng bào không nghe, không theo kẻ xấu xúi giục...
Nhờ được tiếp cận với thông tin trên báo, tạp chí nên đồng bào các dân tộc đã nắm được và có quyết tâm đóng góp công sức thực hiện mục tiêu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, 12 nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - ông Lò Văn Thượng, dân tộc Thái ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nói.
Các báo, tạp chí đã thực sự trở thành kênh thông tin tuyên truyền quan trọng, là cẩm nang về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn hay để nhân dân học hỏi nhau, đồng thời cũng là một “kênh” để cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, điều chỉnh chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của đồng bào./.