Giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số chính là đảm bảo nhân quyền

Thứ tư, 27/09/2023 11:58
(ĐCSVN) - Không để ai bị bỏ lại phía sau và phấn đấu vì một Việt Nam không có đói nghèo là giải pháp thúc đẩy quyền con người thực chất; là sự hiện thực hoá Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012 mà Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết. Quá trình thực hiện giảm nghèo nói chung, thì giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên.

Ngày 6/12/2021, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: “Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”.

 Một khu định cư huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Trần Quỳnh)

Suy cho cùng, những việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đang lo cho gần 100 triệu dân, trong đó trên 14 triệu người dân tộc thiểu số chính là đảm bảo nhân quyền cho người Việt Nam. Đó là quyền được hưởng một mức sống thích đáng đủ để đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của bản thân và gia đình về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết.

Bà Lục Thị Bảy, dân tộc Tày, trước đây là hộ nghèo của thôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2008, gia đình bà Bảy vay 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua 4 sào đất trồng cà phê. Năm 2010, bà Bảy trả hết nợ và được bình xét cho vay tiếp 25 triệu đồng. Bà dùng khoản vay mới để mua 3 sào ruộng trồng lúa nước, đồng thời vay thêm 21 triệu đồng chương trình tín dụng học sinh, sinh viên để nuôi 3 con học đại học.

Năm 2015, gia đình bà Bảy thoát nghèo. Năm 2017, bà tiếp tục vay NHCSXH 30 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư sản xuất.

Bà Bảy cho biết, đồng vốn tín dụng của NHCSXH đã đồng hành cùng gia đình hơn 10 năm, từ khi còn là hộ nghèo, cho đến khi thoát nghèo. Nhờ vốn tín dụng mà gia đình có điều kiện trang trải chi phí cho con ăn học, đầu tư sản xuất, chăn nuôi để đạt được mức thu nhập hàng năm đầy mơ ước như ngày hôm nay: cà phê 170 triệu đồng, lúa 18 triệu đồng, điều 30 triệu đồng, xây nhà 400 triệu đồng…

Trước năm 2015, nhà anh Sùng A Sỉ, dân tộc Mông ở thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai chỉ có 1 con trâu già 9 tuổi để cày ruộng. Khi được chính quyền xã phổ biến về chương trình vay vốn tín dụng chính sách để nuôi bò, Sùng A Sỉ đăng ký và được vay 45 triệu đồng để mua một cặp bò, làm chuồng trại và trồng cỏ voi cho bò ăn.

Cuối năm 2015, cặp bò đẻ 01 con bê. Tháng 4/2016, tự thấy nuôi bò có giá trị kinh tế cao hơn, anh Sỉ bán trâu để mua 1 cặp bò nữa. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 7 con, trong đó có 3 con bê giúp anh Sỉ thoát nghèo, trở thành hộ khá trong thôn.

Mùa vàng ở thôn A Xóc, Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị 

Anh Thạch Thanh Phong, dân tộc Khmer ở ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng lập gia đình với hai bàn tay trắng, không có đất sản xuất, vợ chồng đi làm thuê sống qua ngày. Được chi hội Cựu Chiến binh của thôn giới thiệu về chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, anh thấy gia đình mình đã có lối thoát.

Anh Phong bàn với vợ vay 8 triệu đồng và thêm chút tiền tiết kiệm để mua 1 con bò. Ít lâu sau, bò sinh bê non, đó là động lực khích lệ anh vay thêm 40 triệu đồng  để mua tiếp 2 con bò và mở rộng chuồng trại.

Từ chỗ bần hàn, nay vợ chồng anh đã sở hữu 4 con bò, trị giá hơn 70 triệu đồng; được hai lần thu tiền bán bê để mua thêm 2 con dê sinh sản, 400 con gà thịt và 2 công ruộng. Anh chị đã trả hết nợ gốc và như anh nhận định, cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn.

Sự đổi đời của gia đình chị Bảy, anh Sỉ, anh Phong là những minh chứng cho hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm thực hiện trong những năm qua, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số - nhóm có tỷ lệ nghèo cao.

Chính phủ, tất cả các địa phương đã đưa tỷ lệ giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Do vậy đã ưu tiên tập trung triển khai các giải pháp và nguồn lực tối đa cho giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, nhất là khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bằng nhiều chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ đói, nghèo ở Việt Nam đã giảm liên tục từ 30% năm 1992 xuống còn 8,3% năm 2004. Đến năm 2000, cơ bản xóa xong tình trạng đói kinh niên. Giai đoạn 2010 - 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm; tốc độ giảm nghèo nhanh hơn các vùng khác, nhóm khác.

Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương 

Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là một trong các nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong các mục tiêu phát triển vền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện. Không những thế, cách thức giảm nghèo ở Việt Nam còn là những bài học kinh nghiệm tốt cho các nước trong cuộc chiến chống đói nghèo và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ: Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cử tri hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai kịp thời các gói hỗ trợ đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không để đồng bào dân tộc thiểu số bị thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh.

 Phụ nữ dân tộc thiểu số xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang giữ nghề truyền thống

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, căn cứ Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 120 của Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Trong giai đoạn I, Chính phủ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau và phấn đấu vì một Việt Nam không có đói nghèo là giải pháp thúc đẩy quyền con người thực chất; là sự hiện thực hoá Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012 mà Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết, trong đó có “Quyền có thực phẩm thích đáng và có thể chi trả được, không bị đói, tiếp cận được với thực phẩm an toàn và có giá trị dinh dưỡng”./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực