Giúp người dân tộc thiểu số “an cư lạc nghiệp”

Thứ ba, 17/10/2023 08:30
(ĐCSVN) - Chính phủ Việt Nam đã từng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho hơn 530 nghìn gia đình hộ nghèo, trong đó có 43% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, sẽ hỗ trợ làm nhà ở cho trên 18 nghìn hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Nằm cách trung tâm huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chừng 30km, Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn. Từ trung tâm huyện đến xã mất khoảng một tiếng rưỡi đi ô tô vì đường rất xấu, quanh co, đèo dốc, càng đi càng lên cao, xuyên qua những cánh rừng quế, rừng tự nhiên của hai xã ở thấp hơn là An Thịnh và Đại Sơn.

Tháng 10 năm 2006, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu rộng trên 16 nghìn ha được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Yên Bái, xã Nà Hẩu nằm trọn trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Giữa bốn bề xanh thẳm của rừng tự nhiên, ngôi nhà hai tầng xây kiên cố, mái lợp tôn đỏ tươi của gia đình anh Vàng A Hua, dân tộc Mông, thôn Bản Tát nổi bật lên.

Ông, bà Dương Chinh - hộ người Kinh duy nhất sinh sống cộng cư cùng người Mông ở Bản Tát nhận xét, nhà của Vàng A Hua là một trong 3 ngôi nhà to nhất xã Nà Hẩu.

Còn Vàng A Hua khoe, chi phí làm ngôi nhà là hơn 1 tỷ đồng, một số tiền rất lớn với gia đình nói riêng, với đa số hoàn cảnh kinh tế của người dân địa phương nói riêng.  

Hua cũng nói, vì nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên, nên theo quy định của pháp luật, người dân không được phép khai thác rừng lấy gỗ làm nhà ở nên anh và gia đình đổi quế thành tiền xây nhà ở. Tuy không theo kiểu nhà truyền thống của đồng bào làm bằng gỗ, nhưng nhà xây cũng có ưu điểm là kiên cố, thoáng đãng, sạch sẽ, tiện nghi. Đó cũng là một cách để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Căn nhà của gia đình anh Vàng A Hua nổi bật giữa núi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái 

Tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, gia đình chị Cao Thị Nam là một trong 22 hộ gia đình đồng bào dân tộc Chứt có nhà ở xuống cấp và vừa tách hộ chưa có nhà ở đã được huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng mới trong năm 2021.

Được biết, với đồng bào người Mã Liềng, huyện Tuyên Hoá đã hỗ trợ xây dựng được hơn 100 ngôi nhà giúp bà con “an cư lạc nghiệp”, yên tâm phát triển sản xuất.

Theo lãnh đạo xã Lâm Hoá, địa bàn có người Mã Liềng sinh sống, khi tiến hành hỗ trợ nhà ở, chính quyền xã thống nhất với bà con về cách thức xây dựng, đảm bảo theo nguyện vọng và phù hợp với phong tục tập quán, nhằm tạo thuận lợi trong sinh hoạt cho bà con. 

Những cách làm của huyện Tuyên Hoá hay của bản thân Vàng A Hua góp phần hiện thực hoá quyền về nhà ở - một trong những quyền con người đã được quy định trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc cũng như trong pháp luật Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” (Điều 22, mục 1); “Mọi người có quyền sở hữu về nhà ở” (Điều 32, mục 1) và “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59, mục 3). 

Để đảm bảo quyền có nhà ở của người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách. Có thể kể đến Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…

Trong giai đoạn 2015 - 2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở đã được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi (được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm) theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, các chính sách hỗ trợ về nhà ở đã hỗ trợ cho hơn 531 nghìn hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, đạt tỷ lệ 107%, trong đó có khoảng 45% số hộ được hỗ trợ là người dân tộc thiểu số. Trên 117 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ, xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) theo Quyết định số 33/QĐ-TTg, đạt khoảng 50% mục tiêu chính sách, trong đó có khoảng 43% số hộ được hỗ trợ là người dân tộc thiểu số.

Riêng giai đoạn 2021 - 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ xây dựng hơn 3,2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, gần 21 nghìn căn nhà ở xã hội.

Các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo được triển khai theo nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp xây dựng nhà ở” với sự tham gia vào cuộc thực hiện của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương.

Các chính sách về nhà ở đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, nhất là các hộ sống ở vùng nông thôn, các khu vực thường xảy ra thiên tai, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.

Giai đoạn 2021 - 2025, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số được thực hiện theo chính sách quy định trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với mục tiêu đến năm 2025, giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, định mức vốn để hỗ trợ cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở là 95 triệu đồng/hộ (trong đó vốn từ ngân sách Trung ương là 40 triệu đồng; vốn từ ngân sách địa phương tối thiểu là 4 triệu đồng; vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm, trong thời gian 15 năm, thời gian ân hạn gốc là 5 năm; vốn từ gia đình, dòng họ và cộng đồng tối thiểu là 11 triệu đồng/hộ) để có thể xây dựng được một căn nhà cấp 4 theo phong tục tập quán của địa phương bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Bên cạnh đó, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó có Dự án 5: "Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo".

Theo đó, hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, bảo đảm "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Định mức hỗ trợ: Nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương./.

Quốc Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực