Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung, nguyên là Phó Trưởng Khoa Văn hóa, hiện là Phó Trưởng phòng Tổ chức - Chính trị, Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung là người dân tộc Sán Dìu, có nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thực tế về công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ những cảm nhận của người trong cuộc về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa cho người dân tộc thiểu số - một trong những quyền cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
|
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung - Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang |
Phóng viên: Trước tiên, xin hỏi chị suy nghĩ thế nào về chủ trương bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung: Tôi cho rằng, chủ trương xây dựng nền văn hóa đa dạng, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là rất đúng đắn, vì mấy lý do sau:
Thứ nhất, tại Điều 1 Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ 1992 có nêu: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ, và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này”.
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì có nghĩa vụ phải nội luật hóa các quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, lối sống với những bản sắc riêng, mang tính đặc thù, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Vì thế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các DTTS nhằm đảm bảo tính đa dạng, tính thống nhất, tính hài hòa và tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Qua đó góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng DTTS, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Phóng viên: Vậy chị có bình luận gì về hệ thống pháp luật liên quan đến bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung: Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS ở Việt Nam đã đảm bảo tính thống nhất và đầy đủ, tạo điều kiện cho văn hóa các DTTS ngày càng phát triển.
Tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
|
Lễ hội Hết Chá của đồng bào Thái ở Sơn La |
Trên tinh thần của Hiến pháp 2013, cùng với việc ban hành các luật hoặc chính sách chăm lo phát triển KT- XH, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo thì các luật, các chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện.
Chính phủ đã phê duyệt các chính sách, đề án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá DTTS, đặc biệt là văn hoá DTTSRIN.
Ngày 15/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, đối với lĩnh vực văn hoá đã nhấn mạnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm DTTSRIN, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”.
Qua đó tuyên truyền vận động để các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng DTTS&MN.
Phóng viên: Theo chị, những chính sách về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung: Theo tôi, chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc triển khai “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS” vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống KT- XH, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước.
Nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của DTTS có số dân rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La... tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... đã được tổ chức.
|
Tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS với phát triển du lịch bền vững |
Tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương nơi sinh sống (Dân tộc Xtiêng, Chăm, Ba Na, Cơ Ho, Mnông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông… ).
Ngôn ngữ, chữ viết dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy với nhiều hình thức như biên soạn, xuất bản sách theo tiếng dân tộc; lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho các DTTS là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Nhà nước ta. Hiện tại, đã triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số tại 21 tỉnh, thành trong cả nước và đang dạy thực nghiệm 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đời sống văn hóa tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Năm 2023, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt trung bình 56,1%,
Cơ hội tiếp cận thông tin của người DTTS ngày càng được mở rộng với tỷ lệ hộ DTTS được tiếp cận internet đạt 61,3% (năm 2019), tăng hơn 9 lần so với năm 2015. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt trung bình 94,9%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt trung bình 94%.
Các đài phát thanh, truyền hình địa phương không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc miền núi, vùng cao thông qua việc tăng số lượng đài phát thanh và thời lượng phát sóng các chương trình bằng nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hoá đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hoá DTTS cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Là người DTTS, tôi rất tự hào về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS cũng như những thành tựu mà đất nước đạt được trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS.
Phóng viên: Thêm một câu hỏi với chị, địa bàn chị sinh sống và làm việc có rất đông các dân tộc thiểu số. Vậy người dân tộc thiểu số có được bình đẳng trong tiếp cận các địa điểm văn hóa cũng như tham gia các hoạt động văn hóa được tổ chức tại địa phương không?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Dung: Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có nhiều dân tộc cư trú. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang gồm 22 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Có thể nói di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh khiến Tuyên Quang trở thành vùng đất đa sắc màu văn hóa, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hiện là chủ nhân của các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ độc đáo nổi bật, như: Hát Then của dân tộc Tày; hát sình Ca, dân tộc Cao Lan; hát Soọng Cô, dân tộc Sán Dìu; hát Páo Dung, dân tộc Dao; Hát Cỏ lảu (lảy cỏ), hát giao duyên, hát Sli, hát Soong hao, Hát Sli Giang của dân tộc Nùng…
Tỉnh có hơn 40 lễ hội dân gian, hoạt động văn hóa nổi bật như: Lễ hội Lồng Tông, Cầu Mùa (dân tộc Tày), lễ hội Đình (dân tộc Cao Lan); các nghi lễ truyền thống như: Lễ cấp sắc, Tết Nhảy (dân tộc Dao), lễ Cầu Khoăn, Cúng Cốm (dân tộc Tày); lễ Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn)...
Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên - lễ hội Trung thu độc đáo và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức thường niên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực… lôi cuốn hàng trăm nghìn lượt người tham dự.
Phải nói rằng, ở Tuyên Quang, các di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái đặc sắc, hấp dẫn chính là nguồn lực giá trị tạo nên những sản phẩm du lịch riêng có của địa phương.
Tôi cho rằng tỉnh đã có quan điểm rất đúng đắn rằng đồng bào các dân tộc thiểu số chính là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, trao truyền và phát huy nền văn hóa dân tộc. Trên quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố đã tích cực tổ chức các hoạt động văn hoá, các lễ hội truyền thống của dân tộc; hình thành một số điểm du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa); thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình); thôn Nà Khá xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái (huyện Na Hang)...
Đương nhiên, tại các hoạt động văn hoá, các điểm du lịch đó không thể vắng bóng chủ thể chính là đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí, chính sự tham gia của đồng bào tại các sự kiện đó mới tạo nên bản sắc riêng có, sức sống, sức hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm, để di sản văn hoá của đồng bào có cơ hội trở thành tài sản nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Như vậy thì không thể có bất kỳ sự phân biệt nào về văn hoá các dân tộc thiểu số cũng như cấm đoán người dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hoá được tổ chức trên địa bàn.
Trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy về văn hoá các dân tộc thiểu số và tham gia rất nhiều các hoạt động văn hoá của chính dân tộc mình cũng như của các dân tộc thiểu số khác ở Tuyên Quang những năm qua, tôi khẳng định, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được bình đẳng trong tiếp cận các địa điểm văn hóa cũng như tự do tham gia các hoạt động văn hóa được tổ chức tại địa phương.
Phóng viên: Cảm ơn chị đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!