Ở Việt Nam các dân tộc đều bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau

Thứ sáu, 29/09/2023 15:00
(ĐCSVN) - Đại tá, PGS. TS. Vi Thái Lang là người dân tộc Tày, hiện công tác tại Học viện Chính trị nhân dân (Bộ Công an), là người trưởng thành từ cơ sở, được hưởng đầy đủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với chính sách dân tộc. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông về những nghiên cứu, suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông! Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) có quy định về quyền chính trị, bầu cử và ứng cử của công dân. Đề nghị ông đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện những quyền này ở Việt Nam như thế nào, đặc biệt là đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số?

Đại tá, PGS. TS. Vi Thái Lang, Học viện Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an): Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Đại tá, PGS. TS. Vi Thái Lang là Đại biểu dân tộc thiểu số của ngành Công an dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II - năm 2020 (tổ chức ngày 3 và 4/12/2020 tại Thủ đô Hà Nội)

Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể tự ứng cử để được bầu vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 27 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945, năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên của chính quyền cách mạng đã ra đời, trong đó thể hiện rất dân chủ, công bằng và bảo đảm quyền và lợi ích chính trị hợp pháp của mọi công dân. Tại Điều 18 của bản Hiến pháp đó đã khẳng định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Như vậy, quyền chính trị, bầu cử và ứng cử của công dân được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm từ rất sớm, kể từ đó đến nay, các quyền này luôn được quan tâm, thực hiện với mức độ ngày càng cao.

Chẳng hạn, Điều 23, Hiến pháp 1959 đã làm rõ: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử. Công dân đang ở trong quân đội có quyền bầu cử và ứng cử”.

Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992 tiếp tục bổ sung các quyền đó. Đến nay, đang thực hiện Hiến pháp năm 2013. Như vậy, quyền và lợi ích chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo đã được quy định từ Hiến pháp năm 1959, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tính chất bình đẳng, không phân kể cả về trình độ, nghề nghiệp, tài sản, v.v…

Trên cơ cở quy định của Hiến pháp và pháp luật, các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đều được Nhà nước Việt Nam thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả quyền lợi chính trị của công dân. Mọi công dân trong độ tuổi và đối tượng được quy định trong Hiến pháp và pháp luật đều được tham gia bầu cử, ứng cử và được thực hiện các nghĩa vụ chính trị của mình. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo khắp nơi đều thấy cờ hoa và mọi công dân trong đối tượng rất hân hoan đi bầu cử với tỷ lệ rất cao.

Phóng viên: Thưa ông! Hiện nay, ở đâu đó, hoặc ở một vài nhóm cá nhân có tư tưởng cổ súy cho việc đề cao quyền con người đến mức không cần quan tâm đến quyền công dân… việc này dẫn đến có nhiều vụ việc mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm đến an ninh quốc gia. Đề nghị ông đánh giá Việt Nam đã xử lý những vụ việc này như thế nào?

Đại tá, PGS. TS. Vi Thái Lang: Trên thế giới, ở những nước yếu thế, đặc biệt là khu vực có đông người dân tộc thiểu số và tôn giáo sinh sống, thường được một số nước lớn, nhất là các nước đế quốc nuôi dưỡng một đội ngũ, sử dụng như một lực lượng chính trị để tác động, mặc cả, hướng lái chính quyền các nước, khi cần thiết có thể sử dụng với tư cách bảo hộ, bảo vệ nhân quyền để can thiệp quân sự. Ở đây phải khẳng định việc làm của họ không phải vì nhân quyền hay vì sự phát triển của các tộc người, mà là vì ý đồ chính trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, họ không chỉ làm cho những tộc người thiểu số phải lệ thuộc, mà còn bằng mọi âm mưu, thủ đoạn đưa quốc gia có các dân tộc đó lệ thuộc vào chúng.

Ở Việt Nam, đâu đó cũng xuất hiện một số nhóm xã hội kể cả trong và ngoài nước đang rêu rao cho nhân quyền, nói Việt Nam thiếu nhân quyền, đòi nhân quyền ở Việt Nam; v.v… Nhưng đó đều là những luận điệu không đúng.

Tại sao hiện nay gần như toàn thế giới có quan hệ tốt với Việt Nam? Tại sao Việt Nam là nước duy nhất đa dân tộc, đa tôn giáo, nhưng rất ổn định chính trị, kinh tế luôn tăng trưởng cao, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm? Tại vì quyền con người ở Việt Nam được bảo đảm. Những người làm ăn chân chính, cần cù, chịu khó, tôn trọng pháp luật Nhà nước Việt Nam đều được bảo đảm, đón chào, tạo điều kiện để phát triển về mọi mặt. Cũng vì lẽ đó ngày càng nhiều nhà đầu tư, nhiều bạn bè quốc tế muốn đến làm ăn, sinh sống, mở rộng quan hệ với Việt Nam.

Trong thời gian qua, có một số người chưa hiểu rõ bản chất, ý đồ của các thế lực thù địch, đã nghe theo sự xúi dục, lôi kéo, hứa hẹn của một số đối tượng xấu, đã có những phát ngôn, những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, xâm hại đến lợi ích của toàn dân tộc ta, uy hiếp nền độc lập, tự do mà chúng ta phải đổi bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của rất nhiều thế hệ mới có được. Việc làm của họ phải bị lên án và xử lý, xử lý vài người để bảo đảm cho lợi ích của trăm triệu dân còn lại là việc làm cần thiết; việc xử lý đó là để tránh xa chiến tranh, giữ cho môi trường hòa bình, tự do, ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì càng phải làm.

Mặt khác, pháp luật của tất cả các nước trên thế giới đều quy định rất rõ là phải bảo vệ lợi ích dân tộc, quốc gia, bảo vệ bộ máy chính trị của chính họ. Cho nên xâm phậm đến những vấn đề đó thì ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ bị xử lý. Riêng ở Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, thương nòi rất đậm sâu, dòng họ nào, vùng quê nào cũng có anh hùng liệt sỹ vì nước vì dân, cho nên những người muốn bán nước cầu vinh sẽ không có đất dung thân. Vì vậy việc xử lý những người đó theo pháp luật rất được nhân dân đồng tình và hả hê.

 Dân tộc Dao ở Chiêm Hoá (Tuyên Quang) giữ gìn nghề làm thổ cẩm truyền thống

Phóng viên: Là một người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày). Đề nghị ông cho biết suy nghĩ, cảm nhận về những sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bản thân ông trong quá trình phát triển sự nghiệp của cá nhân mình?

Đại tá, PGS. TS. Vi Thái Lang: Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm đến các dân tộc thiểu số từ rất sớm. Mặc dù đất nước còn đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng ngày 22/6/1953 Chính phủ đã ban hành các chính sách quy định các mặt công tác chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, mặc dù Việt Nam là quốc gia đa dân tộc nhưng không có xung đột dân tộc, xã hội rất ổn định, đó là hệ quả tất yếu của các chính sách rất đúng về dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Hiện nay, có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung trực tiếp tác động đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Tôi là người rất thấu hiểu chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam, bởi vì: Bản thân tôi là người dân tộc Tày, tôi sinh ra ở cuối huyện Na Hang - tỉnh Tuyên Quang. Đây là vùng giáp ranh giữa Tuyên Quang với Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái nguyên. Trước đây quê tôi rất nghèo bởi giao thông đi lại quá khó khăn, phải đi bộ một ngày mới ra đến thị trấn huyện, mới có trường cấp 3. Nỗi nhọc nhằn của những người mưu sinh nơi đây như những sợi dây quàng lấy đôi chân của họ, như muốn giữ họ mãi với cái nghèo của làng quê, chẳng thế mà số người vượt ra khỏi cái làng ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi đã may mắn sớm thoát khỏi cái làng quê nghèo đó, bởi ngay từ lớp 4, tôi đã được cho đi học ở trường Dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang, sau đó được đi học ở trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương và được phân công về học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tôi ra khỏi vùng quê nghèo và được học tập, rèn luyện thành đạt như hiện nay là nhờ chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chính sách ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi và cũng đã làm thay đổi quê hương tôi rất nhiều. Giờ đây trở về quê, tôi tự hào về quê hương mình đã không còn nghèo như ngày nào, cũng là lúc tôi thầm cảm ơn quá khứ, cảm ơn chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam; cảm ơn những người thầy, người bạn và nhiều thế hệ cha anh khác đã và đang lặng lẽ hy sinh, vất vả để cho tôi và đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi có cuộc sống ngày càng đủ đầy, ấm no hạnh phúc hơn.

Tôi là người may mắn được đi một vài nước trên thế giới, đến rất nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều dân tộc thiểu số ở nhiều vùng khác nhau. Qua đó tôi thấy không có quốc gia nào có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như ở Việt Nam. Và ở Việt Nam không có dân tộc nào kém, mọi dân tộc đều bình đẳng. Vì vậy, tôi xin gửi đến đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi ở mọi miền của Tổ quốc một thông điệp là: Đảng, Nhà nước Việt Nam không để ai ở lại phía sau, có đủ chính sách, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tất cả đồng bào các dân tộc phát triển trên quê hương mình, vấn đề là mỗi chúng ta phải chịu khó làm ăn, sinh sống đúng Hiến pháp và pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

TQ t/h

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực