Quyền được chăm sóc y tế công cộng của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Thứ hai, 23/10/2023 08:52
(ĐSCVN) - Quyền được chăm sóc y tế công cộng luôn được Việt Nam coi là một trong những quyền con người quan trọng, là cơ sở để thực hiện nhiều quyền con người khác. Việc thực hiện quyền được chăm sóc y tế công cộng cũng gắn liền với các quyền con người khác như: quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin...

Hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền được chăm sóc y tế công cộng của người dân

Điều 38 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”.

Nhà nước Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền được chăm sóc y tế công cộng của người dân, trong đó có cộng đồng người dân tộc thiểu số. Cụ thể là Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Khám chữa bệnh năm 2009 và 2023, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm thực hiện quyền chăm sóc y tế công cộng ở Việt Nam.

 Cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân bản Pá Kha, xã Nà Bủng 3, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Đối với vấn đề y tế công cho người dân tộc thiểu số, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan đã tham mưu cho chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách như: Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; khám chữa bệnh cho người nghèo; Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030; Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.

Bộ Y tế cũng đã thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo trong cả nước.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế còn ban hành chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản và chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản; chính sách bảo hiểm y tế, chế độ hỗ trợ từ Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo; đầu tư bệnh viện tuyến huyện nhằm đảm bảo ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khoẻ, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

Các chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, một số chính sách về y tế, dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với y tế công cộng

Bà Trương Thị Hợi, dân tộc Thổ, ở xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An thuộc diện được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế do sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Khi đau ốm, dù nhà ở cách xa Trung tâm Y tế huyện tới 14km nhưng bà Hợi vẫn đến đó để thăm khám; được các bác sĩ kê đơn, cho thuốc điều trị lui bệnh hiệu quả. Với bà Hợi, tấm thẻ bảo hiểm y tế được gia đình trân trọng, nâng niu, gìn giữ thật cẩn thận.

Những người dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền đất nước giống như bà Hợi được thụ hưởng chính sách Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn. Đến năm 2020, 96,12% người DTTS sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Số người nghèo, người DTTS tham gia thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng, đạt gần 43 triệu lượt người, chiếm 24% số người tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc.

Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các cơ sở khám, chữa bệnh công, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới y tế trên cả nước. Hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư; 99,4% số xã có trạm y tế, trong đó có khoảng 60% trạm y tế xã đặt tiêu chí quốc gia về y tế.

Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản ngay tại địa bàn sinh sống ngày càng tăng. Khi đồng bào đi khám, chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả. Các dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ, lao, phong cơ bản được khống chế, loại trừ; giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng…

Hiện nay, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và hầu hết các bệnh viện tuyến huyện ở khu vực miền núi đều triển khai được mổ đẻ, truyền máu và NICU (chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh bị rối loạn sức khoẻ), góp phần quan trọng trong việc cứu sống bà mẹ và sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai quy trình chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu ở hầu hết các cơ sở y tế trên toàn quốc. Bộ Y tế đang tiếp tục đào tạo quy trình này cho các cô đỡ thôn bản để thực hành trong quy trình đỡ đẻ tại nhà cho những bà mẹ ở vùng khó khăn không đến đẻ tại cơ sở y tế.

Nhà nước cũng ưu tiên kinh phí tập trung hỗ trợ cho các địa phương nằm trong vùng trọng điểm về dịch tễ, vùng có nguy cơ bùng phát dịch, vùng có mức sinh cao, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa phương chưa tự cân đối ngân sách, các tỉnh nghèo, miền núi, biên giới, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh có ảnh hưởng lớn của thiên tai để triển khai thực hiện các hoạt động về y tế.

Mạng lưới y tế cơ sở được Nhà nước đầu tư xây dựng và phát triển, trong đó ưu tiên hàng đầu là đầu tư cho các trạm y tế xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, xã có điều kiện địa lý, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.

Các trạm y tế này được đầu tư hoàn chỉnh về nhà cửa, trang thiết bị, nhân lực để có thể làm đầy đủ các chức năng về dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có giường lưu để sơ, cấp cứu, đỡ đẻ thường, thực hiện một số dịch vụ cơ bản về sản, phụ khoa, nhi khoa, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, có vườn thuốc nam.

Đáng chú ý là tiêu chí quốc gia về y tế xã và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã được Việt Nam đưa vào tiêu chí thứ 15 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện cả nước có 11.162 trạm y tế thì tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2020 là 94,4%. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư cho các dự án kết hợp quân - dân y để chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi biên giới, hải đảo…

Hoàng Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực