Quyền được làm việc của người dân tộc thiểu số

Thứ năm, 19/10/2023 08:52
(ĐCSVN) - Quyền được làm việc là một trong những quyền cơ bản của con người và việc bảo đảm quyền lao động cho công dân là một trong những tiêu chí đánh giá sự tiến bộ của chế độ xã hội. Ở Việt Nam, quyền được làm việc của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp cùng nhiều văn bản pháp luật khác nhằm bảo đảm thực thi trong thực tiễn.

Trong Luật Nhân quyền quốc tế, quyền được làm việc bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như: Quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền được bảo đảm điều kiện lao động hợp lý, quyền được trả thù lao hợp lý, quyền được thành lập công đoàn, được đình công, quyền được nghỉ ngơi…

Trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), cũng quy định quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm và được có các điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi, được bảo vệ chống thất nghiệp, được trả lương bình đẳng cho những công việc tương đương, được trả công công bằng và thích đáng thuộc nhóm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.

Quyền được làm việc trong pháp luật Việt Nam 

Điều 35. Hiến pháp 2013 quy định: “1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. 2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.

Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. 2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”.

Cụ thể hoá luật pháp quốc tế về quyền con người và quy định trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động năm 2020 tại Điều 4 quy định Chính sách của Nhà nước về lao động: “1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. 2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội. 3. Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động. 4. Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 5. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động. 6. Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. 7. Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.

Anh Giàng A Di (giữa), dân tộc Mông, ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chọn cách chăm nuôi cá tầm nước lạnh cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu với mức lương 7 triệu đồng/tháng

Tại Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động quy định người lao động có các quyền: a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể; c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với gười sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động; d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc; đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; e) Đình công; g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời người lao động có các nghĩa vụ: a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Bảo đảm và thúc đẩy quyền được làm việc của người dân tộc thiểu số

Anh Vàng A Hua, người dân tộc Mông ở Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chọn cách làm việc cho mình là cùng các thành viên trong nhà chăm sóc 10 ha quế, làm ruộng, chăn nuôi, xay sát gạo để tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình.

Vợ chồng ông bà Dương Chinh, dân tộc Kinh cũng sinh sống ở thôn Bản Tát chọn cách làm cho thuê nhà nghỉ homestay phục vụ khách du lịch…

Anh Giàng A Di ở thôn Trung tâm, xã Nà Hẩu lại chọn cách làm thuê cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Không đi làm công ăn lương như chồng, vợ anh Di chọn cách giống anh Hua, tự mình trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập.

Mỗi người, tuỳ theo khả năng trình độ, sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình, sở thích… tự do lựa chọn cho mình một cách làm việc khác nhau, miễn là những việc làm của họ không vi phạm những công việc mà Nhà nước cấm.

Việc làm là vấn đề thiết yếu của phần đông dân số, không chỉ đem lại thu nhập mà còn nhiều lợi ích khác như giảm nghèo, cân bằng cuộc sống, góp phần tạo dựng những chuyển đổi tích cực trong xã hội.

Ở Việt Nam hiện có gần 8 triệu lao động dân tộc thiểu số có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ này ở nam dân tộc thiểu số cao hơn so với nữ dân tộc thiểu số, tương ứng 86% so với 78,3%. Phần lớn lao động dân tộc thiểu số có việc làm ở nhóm tuổi 15 - 54 tuổi (86,8%) và chủ yếu cư trú ở nông thôn (89,4%).

Những con số này là kết quả của các chính sách thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ của Chính phủ trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân tộc thiểu số, góp phần vào sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách do Nhà nước ban hành tập trung cho vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số như chính sách đất đai, chính sách đào tạo nghề, chính sách giới thiệu việc làm, chính sách tín dụng, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, chính sách chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp,… đã góp phần mang đến những cơ hội việc làm cho người lao động nông thôn nói chung và lao động người dân tộc thiểu số nói riêng ở nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Theo ông Gilbert F. Houngbo - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay, Việt Nam và ILO bắt đầu triển khai Chương trình Quốc gia về Việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026 được thiết kế dựa trên các ưu tiên chiến lược quốc gia thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chung Một Liên hợp quốc tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026.

Cụ thể là: (1) người dân được hưởng lợi công bằng và đóng góp vào chuyển đổi kinh tế bền vững, bao trùm và có trách nhiệm giới dựa trên đổi mới, sáng tạo, làm chủ kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng; (2) người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh xã hội có tính bao trùm, có trách nhiệm giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và trao quyền cho người dân để giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình; (3) người dân được hưởng lợi và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và bao trùm hơn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn, tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Kim Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực