Quyền tự do đi lại và tự do cư trú của người dân tộc thiểu số

Thứ ba, 17/10/2023 08:16
(ĐCSVN) - Điểm 1 Mục 4, Điều 5 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc quy định các Quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Quyền tự do đi lại

Phù hợp với quy định này của Công ước, Hiến pháp Việt Nam năm 2013, tại Điều 23 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do đi lại của người dân tộc thiểu số (Ảnh: Mạnh Cường) 

Trên tinh thần của Điều 23, Hiến pháp năm 2013, tại Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định:

Công dân Việt Nam có các quyền: Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này; Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này; Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác; Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019: a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên; b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực; c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện trên phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.

Tại Điều 34 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định: Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.

Quyền tự do đi lại có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Chúng ta có thể thấy rõ nhất việc này qua đại dịch COVID-19 năm 2020, 2021 - thời điểm dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng nhất trên toàn cầu.

Trong tình hình đó, công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về phải cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo.

Ở trong nước, các Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác đều áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được yêu cầu giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.

Quyền tự do cư trú

Cư trú và quyền tự do cư trú (TDCT) là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung, bởi lẽ mỗi cá nhân sinh sống cần có một không gian, nơi chốn nhất định.

Theo giải thích trong Luật Cư trú năm 2020, cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Như vậy, có thể hiểu cư trú là việc con người sinh sống, làm việc thường xuyên tại một địa điểm nào đó, dưới một hình thức nhất định.

Đối với quyền tự do cư trú của công dân, Điều 4 Luật Cư trú năm 2020 quy định công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau: a) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách; b) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; c) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; d) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này; đ) Các trường hợp khác theo quy định của luật.

Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền hoặc theo quy định của luật có liên quan.

Điều 5 Luật Cư trú 2020 cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại cho hoạt động đăng ký, quản lý cư trú.

Để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, tại Điều 7 Luật Cư trú 2020 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm về cư trú gồm: Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú; Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật; Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật; Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú; Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật; Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú; Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú;  Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó; Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó; Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Biểu hiện của quyền tự do đi lại, tự do cư trú đối với người dân tộc thiểu số

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số có khoảng trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số. Nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Đình Tấn - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra rằng các dân tộc sống đan xen song cũng có địa vực nhất định.

Địa vực sống chủ yếu của dân tộc Tày, Nùng là tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; địa vực của dân tộc Thái, Mông chủ yếu ở vùng Tây Bắc, tập trung tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang; địa vực sống của người Chăm ở vùng Nam Trung Bộ, tập trung ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; địa vực sống chủ yếu của người Khmer là vùng Nam Bộ; địa vực của người Gia Rai, Ba Na, Ê-đê… ở Tây Nguyên…

Trong những năm gần đây, địa vực sống của các dân tộc thiểu số đã có sự dịch chuyển do di dân mà thực chất là sự thể hiện quyền tự do đi lại, tự do cư trú. Năm 1976, địa bàn Tây Nguyên có 18 dân tộc; năm 1993 có 35 dân tộc; năm 2014 có tới 46 dân tộc.

Hay như Thủ đô Hà Nội hiện nay cũng là nơi sinh sống của trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số, sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh có 53/53 dân tộc thiểu số, với 468.147 nhân khẩu, chiếm 5,2% dân số toàn Thành phố.

Chị Đinh Thị Nhung, dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sơn La. Học xong đại học, chị Nhung quyết định lập nghiệp ở Hà Nội, sau đó lập gia đình và nay thì mua nhà, định cư luôn ở Thủ đô.

Chị cho biết, bản thân không gặp phải bất kỳ sự cản trở hay phân biệt đối xử nào trong quá trình làm các thủ tục mua nhà ở - nơi cư trú của gia đình. Hàng năm, vào các dịp nghỉ lễ, gia đình chị tự do đi lại thăm, nghỉ ngơi tại các điểm du lịch trong và ngoài nước.

Chia sẻ của chị Nhung cùng một vài con số trên để chứng minh rằng, là công dân nước Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do đi lại, tự do cư trú.

Nhà nước Việt Nam thông qua hệ thống pháp luật đảm bảo để đồng bào được thực hiện các quyền đó theo đúng các cam kết trong các văn kiện pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc./.

Mạnh Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực