Sóc Trăng: Thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ lâu dài và liên tục

Thứ năm, 28/09/2023 14:03
(ĐCSVN) - Là tỉnh có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng xác định thực hiện chính sách dân tộc là giải pháp thể hiện sự tôn trọng, đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1,3 triệu dân số, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,41%, chủ yếu là đồng bào Khmer và Hoa sống đan xen với đồng bào Kinh.

Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện kịp thời, nghiêm túc và hiệu quả các chính sách dân tộc do Trung ương ban hành. Nhờ vậy, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Điển hình như xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên có tới 73% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một xã đặc biệt khó khăn, Tham Đôn đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng tới mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Tăng Trung Bảo, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn phấn khởi nói, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên trên địa bàn xã, mạng lưới giao thông được đầu tư liên hoàn, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong giao thương hàng hoá, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân cả hai mùa mưa, nắng…

Hay như trường trung học cơ sở Tham Đôn - ngôi trường có 75% học sinh là người dân tộc Khmer cũng đang được đầu tư để trong năm nay được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa đến trường học tập, góp phần nâng cao dân trí - thầy Lý Hoàng Thông, Hiệu trưởng cho biết.

Những đổi thay ở Tham Đôn cho thấy một diện mạo mới đang hình thành ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, 100% số xã của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 85,52% xã, phường có nhà văn hóa, 88,26% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; 98% số hộ dân vùng dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó số hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 97,5%; 100% hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế...

Những kết quả trên cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng không hề bị phân biệt đối xử, mà luôn được quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán… nên đến cuối năm 2022, Sóc Trăng vẫn còn còn 7.122 hộ Khmer nghèo, chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer; hộ nghèo người Hoa còn 345 hộ, chiếm 2,09%.

Bà Thị Tôn (80 tuổi), ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn bên ngôi nhà mới xây trị giá 50 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Chanh Tha) 

Theo ông Lý Rotha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trước hiện trạng trên, tỉnh có chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Quyết tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp sức bằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Mới đây, báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 63 đơn vị cấp xã và 128 ấp được thụ hưởng Chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 - 2023 là gần 654,2 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn này, tỉnh tập trung xây dựng 63 công trình đường, cầu giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ; 4 công trình nước sạch tập trung; hỗ trợ 197 hộ chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ đất ở cho 231 hộ, nhà ở cho 623 hộ, đất sản xuất cho 230 hộ khi cấp có thẩm quyền ban hành định mức hỗ trợ.

Bà Tăng Thị Sol, ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề cho biết: “Trước đây, cây cầu Tà Óc cũ nhỏ hẹp, xuống cấp nên không đảm bảo an toàn trong lưu thông. Nay được Đảng, Nhà nước đầu tư cây cầu mới kiên cố, rộng rãi, đảm bảo an toàn trong lưu thông, nhất là phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trong ấp và các ấp lân cận nên người dân nơi đây rất phấn khởi”.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai, thực hiện Chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân./.

Phương Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực